Tạo “nguồn vốn nghề nghiệp” cho phạm nhân

Phan Tuấn| 21/08/2017 10:27

Dạy nghề cho phạm nhân là việc làm hết sức ý nghĩa nhằm giúp đỡ những con người lầm lỗi nhận thức về giá trị của sức lao động. Đó là cơ hội, điều kiện tốt cho các phạm nhân sau khi mãn hạn tù hòa nhập với cộng đồng.

ADQuảng cáo

Xác định được điều này, thời gian qua, cùng với công tác quản lý, giam giữ, Trại giam Đắk P’lao đứng chân trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (trực thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an) đã rất chú trọng đến công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân.

Các phạm nhân Trại giam Đắk P'lao sản xuất lông mi giả

Trung tá Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám thị Trại giam Đắk P’lao cho biết: “Trại giam Đắk P’lao hiện đang quản lý, cải tạo khoảng 1.100 phạm nhân với các tội danh như: Cướp của, giết người, buôn bán ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… với đầy đủ mọi lứa tuổi. Các phạm nhân vào đây thường có điểm chung là thiếu hiểu biết pháp luật, không có nghề nghiệp, việc làm ổn định”.

Theo Trung tá Thanh, khi vào trại giam tất cả phạm nhân đều trải qua các bước cải tạo, giáo dục và đặc biệt là học nghề. Khi trải qua lao động các phạm nhân sẽ thấy được giá trị của sức lao động, hiểu nỗi vất vả và biết quý trọng những gì mình tự làm ra.

ADQuảng cáo

Phạm nhân Nguyễn Hoàng Anh (SN 1987) quê ở Bình Phước, phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” đã có một quãng thời gian dài chơi bời, lêu lổng… dẫn đến phạm pháp và vào tù.  Khi vào trại giam, Anh cần cù lao động, cải tạo và là một trong những phạm nhân cải tạo tốt.

Trò chuyện với chúng tôi, Anh phấn khởi cho biết: “Chỉ hơn 1 tháng học việc, tôi đã thành thạo tất cả các bước để hoàn thiện một cặp lông mi giả, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì mà trước đây tôi chưa từng làm được. Giờ đây, trung bình mỗi ngày tôi làm được 30 cặp và là một trong những người đạt năng suất cao nhất ở đây”.

Theo phạm nhân Anh, công việc làm mi giả đã giúp cho anh có thời gian ngồi suy nghĩ lại hành vi vi phạm pháp của mình, biết ăn năn hối lỗi và thương gia đình mình hơn. "Ngày trước, chỉ vì ham chơi, không tu chí làm ăn nên tôi mới vướng vòng lao lý. Khi vào đây, mình mới nhận ra sự vất vả của bố mẹ khi nuôi mình ăn học. Tôi hy vọng, sau này cải tạo xong, tôi có thể tiếp tục công việc này để làm lại cuộc đời". Phạm nhân Anh tâm sự.

Theo Trung tá Thanh, dạy nghề cho phạm nhân không phải là công việc dễ dàng. Rất nhiều phạm nhân trước khi vào trại họ có lối sống lêu lổng, buông thả. Những người lĩnh án cao thường có suy nghĩ tiêu cực, chán nản... cho rằng cuộc đời mình sẽ chôn vùi mãi ở chốn lao tù. Khó khăn nhất vẫn là các phạm nhân nghiện ngập ma túy, khi lao động cơ thể thường mệt mỏi, gián đoạn, ý chí lao động không cao... Thấu hiểu được những điều này, cùng với việc phân loại đánh giá sức khỏe, Ban Giám thị Trại giam Đắk P’lao cùng các cán bộ tìm hiểu, nắm bắt tâm lý xem họ có mong muốn gì, từ đó, sẽ định hướng cho phạm nhân học nghề phù hợp. Trong thời gian tới, Trại giam Đắk P'lao sẽ tiến hành trao chứng chỉ đào tạo cho các phạm nhân để tạo “nguồn vốn nghề nghiệp” cho phạm nhân làm lại cuộc đời.

Hiện nay, Trại giam Đắk P'lao đang đào tạo các nghề: Đan lát, làm lông mi giả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp... Mục đích lớn nhất của việc dạy nghề là mỗi phạm nhân sau khi mãn hạn tù sẽ kiếm được một việc làm có thể nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình và hơn hết không tái phạm những sai lầm đã mắc phải trước đó.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo “nguồn vốn nghề nghiệp” cho phạm nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO