Tạo thuận lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận dịch vụ y tế

Vũ Trang thực hiện| 15/03/2019 09:43

Từ ngày 1/3/2019, việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virút ARV trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ chuyển từ miễn phí sang thanh toán qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân HIV/AIDS phải tham gia BHYT để duy trì khả năng điều trị lâu dài.

ADQuảng cáo

Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ndong Brưm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh vấn đề này.

Bác sĩ Ndong Brưm

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào công tác quản lý, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Bác sĩ Ndong Brưm: Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được ngành Y tế phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều hoạt động từ tuyên truyền, giáo dục đến giám sát, quản lý và can thiệp dự phòng lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến cuối năm 2018, lũy tích bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 677 người, trong đó có 218 người đang được điều trị bằng thuốc ARV.

Trước đây, được sự hỗ trợ của các dự án nước ngoài, bệnh nhân HIV/AIDS được hoàn toàn miễn phí thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm... Từ năm 2017, các dự án nước ngoài giảm dần tài trợ nên việc điều trị của bệnh nhân HIV/AIDS tốn kém hơn. Để bệnh nhân HIV/AIDS không bị gián đoạn điều trị, Bộ Y tế đã đưa việc điều trị ARV vào danh mục thuốc BHYT chi trả.

Tại tỉnh Đắk Nông, từ tháng 3/2019, ngành Y tế bắt đầu triển khai khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT; trong đó các huyện Đắk R’lấp và Cư Jút được chọn triển khai đầu tiên. Đối với các địa phương còn lại, nguồn thuốc ARV vẫn đang được Trung ương hỗ trợ. Riêng đối với cơ sở điều trị đặt tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, sau khi được Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh thẩm định cũng sẽ bắt đầu triển khai khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT.

PV: Theo quy định hiện hành, bệnh nhân HIV/AIDS có thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT không?  

Bác sĩ Ndong Brưm: Luật BHYT không quy định nhóm đối tượng tham gia BHYT theo nhóm bệnh, kể cả người nhiễm HIV. Vì vậy, bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT theo nhóm đối tượng nào thì mức hỗ trợ đóng BHYT sẽ theo nhóm đó.

ADQuảng cáo

Riêng tại tỉnh Đắk Nông, để tạo điều kiện cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận tốt với các dịch vụ y tế, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1440/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS và hỗ trợ kinh phí đồng chi trả thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 188 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn có thẻ BHYT, chiếm hơn 95,6%.

PV: Việc triển khai khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Bác sĩ Ndong Brưm: Năm 2018, ngành Y tế tiến hành sắp xếp, đổi mới toàn diện hệ thống y tế, trong đó có việc thành lập Trung tâm Y tế huyện đa chức năng trên cơ sở sáp nhập trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình huyện. Điều này đã tạo thuận lợi hơn cho ngành trong việc quản lý và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, nhất là việc khám, điều trị qua thẻ BHYT.

Tuy nhiên, hiện nay, Trung tâm Y tế huyện đa chức năng thực hiện rất nhiều dịch vụ y tế, số lượng người dân đến khám, chữa bệnh hàng ngày cũng khá đông. Trong khi đó, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn còn diễn ra. Điều này làm cho bệnh nhân HIV/AIDS có phần mặc cảm và ngại tiếp cận các dịch vụ thông qua BHYT vì sợ lộ danh tính. Đây cũng là khó khăn, rào cản lớn nhất trong công tác quản lý và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn.

PV: Trước những khó khăn như vậy, ngành Y tế có những giải pháp gì để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như hoạt động điều trị, quản lý bệnh nhân HIV/AIDS  nói riêng?

Bác sĩ Ndong Brưm: Thực tế hiện nay, việc tạo niềm tin cho bệnh nhân HIV/AIDS là rất quan trọng, qua đó giúp họ từng bước vượt qua mặc cảm sợ bị cộng đồng kỳ thị để yên tâm điều trị. Xác định điều đó, ngoài các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, vấn đề kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS cũng như lợi ích của việc tham gia BHYT.

Ngành cũng sẽ nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Y tế về tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS tại các cơ sở y tế. Đối với những đối tượng chưa tham gia BHYT, ngành sẽ phối hợp rà soát, lập danh sách để gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp thẻ, cố gắng không để gián đoạn việc điều trị của bệnh nhân. Đặc biệt, trong năm 2019, ngành Y tế sẽ mở rộng việc khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để tạo thuận lợi cũng như tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

PV: Xin trân trọng  cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo thuận lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận dịch vụ y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO