Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh Chương trình cho vay làm nhà ở cho người nghèo

Lương Nguyên| 26/07/2018 09:48

Mặc dù Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (QĐ 33) đã được triển khai gần 3 năm nay nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên tiến độ, kết quả giải ngân vốn vay thuộc chương trình này thường không đạt kế hoạch.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Nông sẽ tiến hành hỗ trợ xây dựng 2.037 căn nhà cho các hộ nghèo chưa có nhà ở theo QĐ 33. Tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh mới xây dựng được 457 căn, chiếm tỷ lệ hơn 22%.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Song phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách cho vay nhà ở theo QĐ 33 đến các hộ nghèo trên địa bàn

 “Điệp khúc"... chậm

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, giai đoạn 2016-2018, Đắk Nông xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng 958 căn nhà cho các hộ nghèo. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh mới hoàn thành được 457 căn nhà, đạt gần 48% kế hoạch đề ra. Trong 3 năm triển khai QĐ 33, năm nào tỉnh cũng không hoàn thành chỉ tiêu đã xây dựng từ đầu năm. Tình trạng hộ nghèo chưa được hỗ trợ xây dựng nhà năm này, phải chuyển tiếp danh sách sang năm khác, rồi lại không hoàn thành đã trở thành “điệp khúc chậm” trong thực hiện chính sách ưu đãi này trong thời gian qua.

Cụ thể, trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ xây dựng được 99/254 căn, với số tiền giải ngân là gần 2,5 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch. Năm 2017, tỉnh xây dựng được 333/444 căn nhà, với số tiền giải ngân hơn 8,3 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành 75%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xây dựng được 25/220 căn nhà, với số tiền giải ngân 625 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 11,36%.

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, do chính người dân thuộc diện ưu đãi chưa thực sự muốn vay vốn. Hơn nữa, hiện nay, phần lớn hộ nghèo trên địa bàn đều đang có dư nợ tại NHCSXH, dẫn đến việc làm thủ tục vay thêm là điều không dễ. Thêm vào đó, tâm lý của nhiều hộ nghèo muốn vay tiền ngân hàng để tu sửa, làm nhà mới, nhưng lại lo không trả được tiền gốc và lãi khi đến hạn. Tại nhiều địa phương, chính quyền sở tại chưa thực sự quan tâm đến chương trình này cũng là nguyên nhân làm cản trở, gây không ít khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách.

Người dân chưa… “mặn mà”

Là hộ nằm trong danh sách được vay vốn để hỗ trợ xây nhà, nhưng ông K’Khiêm, ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê lại bỏ qua cơ hội này. Mặc dù căn nhà mà gia đình ông đang sống đã xuống cấp khá trầm trọng.

Ông K’Khiêm cho biết: “Hiện nay, tiền nhân công, vật liệu đều cao, trong khi gia đình tôi tích cóp chẳng được bao nhiêu. Với 25 triệu đồng tiền vay, cùng với một ít tiền hỗ trợ thì không đủ để xây được căn nhà cấp 4. Vì vậy, gia đình tôi mới không vay để xây nhà ở”.

ADQuảng cáo

Trường hợp của ông K’Khiêm không phải là duy nhất, mà trên địa bàn huyện Đắk Glong đang có hàng chục hộ nằm trong danh sách thuộc diện được vay vốn theo QĐ 33 chưa thực sự “mặn mà” với hỗ trợ này.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, cùng với sự giúp đỡ của người thân, nhiều hộ nghèo ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã xây dựng được căn nhà kiên cố

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, trong năm 2018, địa phương xây dựng đề án xây nhà cho 60 hộ nghèo thuộc diện được vay vốn, với tổng dư nợ là 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2018, địa phương mới triển khai xây dựng được 15 căn nhà cho 15 hộ nghèo, với số tiền là 375 triệu đồng.

Mặc dù theo QĐ 33, số vốn vay cao hơn những chương trình cho vay ưu đãi khác đã triển khai, nhưng vì phải chịu lãi 3%/năm nên nhiều hộ nghèo tỏ ý không muốn vay. Bởi vì, theo tính toán của các hộ dân, cùng với mức cho vay từ NHCSXH, cộng với mức hỗ trợ từ phía địa phương thì tổng số tiền tối đa được vay, hỗ  trợ là 40 triệu đồng/căn nhà. Để xây dựng được căn nhà theo tiêu chuẩn 24 m2 và tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) thì với số tiền trên sẽ rất khó hoàn thành. Trong khi những đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, phần lớn họ không có điều kiện, nguồn lực để góp thêm. 

Không riêng gì huyện Đắk Glong, mà câu chuyện người dân không mấy “mặn mà” về khoản vay này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc khó thực hiện QĐ 33 tại các huyện Tuy Đức, Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp.

Hộ gia đình thuộc diện đối tượng hộ nghèo theo chuẩn nghèo theo quy định tại QĐ 33 của Thủ tướng Chính phủ có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó, thời hạn ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

Cùng phối hợp để tháo gỡ

Tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH diễn ra vào đầu tháng 7/2018, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh: Với trách nhiệm của mình, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện để tổ chức phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với người dân, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Làm sao để người dân có thể vay được vốn, dựng được căn nhà ở trong điều kiện gia đình đang khó khăn. Một khi có căn nhà kiên cố, tâm lý của người dân mới ổn định, từ đó, mới có động lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã, đang rà soát tổng số hộ nghèo thuộc diện vay vốn, nhu cầu thực sự cần vay trong giai đoạn 2016 đến nay. Trên cơ sở danh sách được tổng hợp, đơn vị phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh có phương án hỗ trợ, cũng như huy động các nguồn khác để giúp bà con sớm có nhà ở. Với phương châm mỗi căn nhà có giá trị ít nhất 50 triệu/căn, cùng với việc huy động nguồn lực về vốn, các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên cũng tham gia hỗ trợ ngày công để giúp các hộ giảm tiền công xuống, nâng giá trị căn nhà lên”.

Có thể nói, để tháo gỡ những khó khăn hiện đang gặp phải trong quá trình thực hiện QĐ 33, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các địa phương cần làm tốt công tác lồng ghép với các chương trình, dự án, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để khơi dậy tinh thần “Tương thân tương ái” từ các tổ chức, cá nhân. Có như vậy, chính sách nhân văn này mới thực sự đi vào cuộc sống, giúp nhiều hộ nghèo ổn định tâm lý “an cư lạc nghiệp”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh Chương trình cho vay làm nhà ở cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO