Thay đổi trong nhận thức lập thân, lập nghiệp của bạn trẻ

Bài, ảnh: Linh Thư| 06/12/2018 09:38

Trước tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, quan niệm của giới trẻ về lựa chọn định hướng của tương lai đã dần thay đổi. Với mong muốn sớm có việc làm ổn định khi ra trường, chi phí đào tạo thấp là lý do khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn học nghề từ sớm thay vì chỉ coi đây là lựa chọn sau cùng khi không thể học lên đại học, cao đẳng.

ADQuảng cáo

Học nghề hay học đại học là câu hỏi của nhiều bạn trẻ trong các buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Tỉnh đoàn tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa)

Đam mê nhiếp ảnh, bạn Nguyễn Ngọc Dũng, lớp 12A5, Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) cho biết: “Em sẽ đi học nghề nhiếp ảnh. Việc học nghề hay học đại học cũng là để khi học xong, ra trường có thu nhập ổn định mà thôi. Học nghề thì khả năng xin việc khi ra trường sẽ cao hơn, ngoài ra, bản thân có thể tự kinh doanh, khởi nghiệp với nghề mình đã học”.

Lý giải về quyết định học nghề của mình, bạn Đào Hữu Ngọc Tân, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Đại học không phải là con đường duy nhất, tốt nghiệp THPT xong, em sẽ học nghề để tiết kiệm chi phí, lại nhanh có việc làm. Trong thời gian học nghề, em vẫn có thể kiếm thêm thu nhập từ việc vừa làm vừa học để san sẻ bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình mình”.

Lựa chọn học nghề thay vì bước vào giảng đường đại học, nhiều bạn trẻ vấp phải sự phản đối của gia đình. Nhưng bên cạnh đó, không ít phụ huynh ủng hộ việc cho con mình học nghề, thay vì “học làm thầy” như trước đây.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) nêu quan điểm: “Nhiều gia đình gần nhà tôi có con học cao đẳng, đại học nhưng thất nghiệp cả. Ai xin được việc thì cũng là vào tận trong thành phố lớn để làm, vất vả lắm. Vậy nên, quan điểm của tôi là cho con cứ đi học nghề nào phù hợp với sở thích, khả năng, học xong đi làm gần nhà là được. Còn không nữa, nhà có rẫy có nương đấy, đi làm nông nghiệp cũng tốt”.

Tốt nghiệp Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) năm 2016, Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1998) đã quyết định không học đại học mà đi học về pha chế và sản xuất cà phê để làm hướng đi cho con đường lập nghiệp của mình. Đến nay, Tuấn đã có một quán cà phê nhỏ trên địa bàn thị trấn Đức An (Đắk Song). Tuấn cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, bạn bè của em có người học đại học cũng có người đi học nghề để ổn định cuộc sống. Riêng em ra mở quán cà phê như thế này đã có thể có thu nhập, tích lũy để tiếp tục phát triển kinh doanh về lâu dài”.

Bên cạnh học đại học, cao đẳng, các bạn trẻ vẫn còn có nhiều lựa chọn hơn khi học nghề, nhất là các nghề ngắn hạn về các lĩnh vực ẩm thực, du lịch, nhà hàng, khách sạn, điện dân dụng, thẩm mỹ...Những nghề này thời gian học ngắn, lại dễ tìm được việc làm, cuộc sống ổn định. Lựa chọn đó còn gặp thuận lợi khi hiện nay, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hơn nữa, sau khi học nghề, nếu không ứng tuyển vào các công ty, cơ sở kinh doanh, bạn trẻ cũng có thể tự mình khởi nghiệp.

Theo một kết quả thăm dò vào năm 2017 của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và nhu cầu thị trường lao động tại TP. Hồ Chí Minh, cứ 100 lao động, thị trường cần tới 35 lao động trình độ trung cấp, 13 lao động trình độ cao đẳng và 12 lao động trình độ đại học, còn lại là lao động đã qua đào tạo khác. Con số này cho thấy, cơ hội việc làm cho người học nghề là rất lớn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi trong nhận thức lập thân, lập nghiệp của bạn trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO