Thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, nên phải cố gắng vươn lên!

Thanh Nga| 20/07/2017 15:23

Bằng ý chí, nghị lực của người lính đã từng trải qua bom đạn chiến tranh, trở về với đời thường với thương tật còn mang trong mình, nhưng thương binh Trần Đức An, hiện ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) vẫn tiếp tục vươn lên, khẳng định tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”.

ADQuảng cáo

Thương binh Trần Đức An cùng vợ và cháu nội vui vẻ trong cuộc sống đời thường

Vượt qua “cửa tử”

Năm 1977, chàng trai Trần Đức An vừa tròn 18 tuổi từ biệt quê hương Thanh Hóa lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, đánh đuổi bọn Pôn Pốt, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sau đó, ông còn tham gia nghĩa vụ quốc tế, hỗ trợ nước bạn Campuchia tiêu diệt Pôn Pốt, tham gia xây dựng chính quyền. Trong quá trình chiến đấu gian khổ, ác liệt, ông bị thương tới 3 lần, trong đó lần thứ 3 là nặng nhất, tưởng chừng phải hy sinh. Thế nhưng, với bản chất kiên cường của người lính, ông đã vượt qua “cửa tử” và trở về.

Nhớ về những năm tháng chiến đấu ác liệt ấy, thương binh Trần Đức An kể: Tôi và đồng đội làm nhiệm vụ vận tải lương thực, đạn dược và trực tiếp chiến đấu và cuối năm 1978 thì sang làm nhiệm vụ quốc tế tại tỉnh Kông Pông Chàm (Campuchia) hỗ trợ nước bạn tiêu diệt tận gốc bọn Pôn Pốt. Khoảng 1 giờ chiều 6/1/1979, tôi cùng 41 đồng đội đang trên đường làm nhiệm vụ thì bị địch phục kích, tấn công bằng súng DKZ. Lúc đó, xe đang đi thì đột ngột khựng lại và tôi có một cảm giác mát dịu toàn thân. Trong chuyến xe định mệnh ấy, chỉ tôi và một đồng đội may mắn còn sống, nhưng bị bỏng nặng. Nằm dưới rãnh nước ven đường, tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe bị lửa bao trùm cháy ngùn ngụt. Sau đó, tôi ngất lịm đến 4 giờ sau thì được đồng đội đến cứu. Tôi được đưa về nước điều trị 10 tháng tại Trại nuôi dưỡng thương binh nặng và được chuyển đi an dưỡng. Vì vết thương quá nặng, không thể tiếp tục tham gia chiến đấu nên tôi được về quê.

Vươn lên trong cuộc sống

ADQuảng cáo

Trở về địa phương với tỷ lệ mất sức lao động 81% và thương binh hạng 1/4, năm 1981, thương binh Trần Đức An được người con gái xinh đẹp cùng quê Ngô Thị Thu thương yêu và tiến tới hôn nhân và có với nhau 1 người con gái, 2 người con trai. Vì bị bỏng nặng nên đôi bàn tay của ông bị dị tật, rất khó khăn trong lao động, sản xuất cũng như sinh hoạt hàng ngày. Thời gian đầu, cuộc sống rất khó khăn, chỉ có hơn 3 sào ruộng, gia đình ông thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Không khuất phục, năm 2007, ông quyết định cùng vợ con rời quê hương Thanh Hóa vào Đắk Nông lập nghiệp. Không có đất canh tác, không có nhà ở, ban đầu gia đình phải đi làm thuê kiếm sống. Sau 2 năm tích góp và vay mượn từ bạn bè, người thân, ông đã mua được 1,8 ha đất để trồng cà phê. Tuy nhiên, lúc này vợ chồng ông lại gặp thêm vô vàn khó khăn khi 2 người con trai lần lượt đổ bệnh. Năm 2009, con trai đầu tốt nghiệp cao đẳng mới đi làm được mấy tháng thì phát bệnh tâm thần. Thời gian sau, con trai út cũng bị thiểu năng trí tuệ.

Ông An tâm sự: “Năm 2011, gia đình tôi được Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) xây tặng căn nhà tình nghĩa. Sau đó, được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, tôi đầu tư chăm sóc vườn cà phê và trồng thêm bơ, hồ tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Từ đó, có thu nhập đáng kể từ sản xuất và chăn nuôi nên cuộc sống gia đình dần dần ổn định”.

Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2015 gia đình thương binh Trần Đức An đã thoát nghèo, trả hết nợ nần. Hiện nay, bệnh tình của các con của ông cũng đỡ và đều lập gia đình. Năm 2016, gia đình ông thu được 6 tấn cà phê, còn bơ và hồ tiêu bắt đầu cho quả, cùng với chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, trừ chi phí cũng có thu nhập trên 150 triệu đồng.

Ông An chia sẻ: “Có những thời điểm cuộc sống quá khó khăn, mỗi khi trái gió trở trời toàn thân đau nhức, nhưng thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác đã hy sinh, nên tôi càng phải cố gắng vươn lên. Hôm nay, kinh tế của gia đình đã ổn định, thu nhập hàng năm tôi dành phần lớn cho việc khám chữa bệnh cho 2 đứa con với hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ bình thường trở lại”.

Ghi nhận công lao trong thời gian chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, thương binh Trần Đức An đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Mới đây, ông còn được UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, nên phải cố gắng vươn lên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO