Thấy trách nhiệm lớn lao hơn nên cần phải cố gắng nhiều hơn nữa!

Mỹ Hằng| 30/08/2019 11:26

Mới đây, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, UBND tỉnh đã trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 20 nghệ nhân và danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 2 nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đối với các nghệ nhân thì đây là một vinh dự, niềm động viên tinh thần hết sức lớn lao để có thể cống hiến nhiều hơn nữa.

ADQuảng cáo

Nỗ lực cống hiến

Nghệ nhân Điểu N’Jah (Điểu Marin) ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) là một trong những người có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người M’nông tại địa phương.

Theo như lời kể, ông mê đánh chiêng từ hồi nhỏ, cứ theo các già làng, nghệ nhân lớn tuổi trong bon để được chỉ dạy các kỹ thuật diễn tấu chiêng. Dần dà tình yêu ấy cứ lớn dần và thấm sâu vào tâm khảm của ông. Giờ đây, ông không chỉ là người diễn tấu chiêng giỏi, biết chế tác các nhạc cụ truyền thống mà còn là người lưu giữ, nhớ nhiều nghi lễ truyền thống của người M’nông nhất.

Nghệ nhân Nhân dân Điểu N'Jah (ngồi ở giữa) luôn trăn trở với công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của người M'nông

Dù đã gần 80 tuổi nhưng nghệ nhân Điểu Marin vẫn còn minh mẫn, thường xuyên tham gia các hội diễn do địa phương tổ chức và nỗ lực truyền dạy đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ ở bon làng. Thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của ông, bon Bu Brâng đã duy trì được một đội chiêng gồm 20 thành viên. Mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại vận động mọi người tập đánh chiêng.

Với những nỗ lực đó, năm 2015 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và năm 2019 tiếp tục được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể của người M’nông.

Nghệ nhân Điểu N’Jah cho biết: “Tôi cũng như bà con người M’nông rất cảm kích khi Đảng, Nhà nước quan tâm đến văn hóa dân tộc và càng vinh dự tự hào khi được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”. Để xứng đáng với danh hiệu đó, tôi thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là truyền cảm hứng, niềm đam mê cho thế hệ trẻ”.

Dưới sự chỉ dẫn của Nghệ nhân Nhân dân Điểu N'Jah mà bon Bu Brâng duy trì đội chiêng gồm 20 thành viên

ADQuảng cáo

Nghệ nhân Y Sim Ê ban ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của người Ê đê. Không những biết đánh chiêng, chỉnh chiêng, nghệ nhân Y Sim còn chơi thuần thục và chế tác nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Ê đê như đàn Goong, Đinh năm, Đinh puốt, tù và, trống. Hiện nay, ông vẫn còn giữ được 11 bài chiêng truyền thống của dân tộc mình. Những bài chiêng với nhịp điệu vừa mạnh mẽ, vừa sâu lắng được mọi người yêu thích, ông cẩn thận ghi lại cất giữ, mai sau cho con cháu sử dụng.

Nghệ nhân Y Sim vui vẻ nói: “Văn hóa truyền thống của người Ê đê rất đa dạng và số người am hiểu cũng ít nên tôi cố gắng làm được gì để gìn giữ thì làm thôi chứ cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Chỉ mong con cháu thấy được ý nghĩa của việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc thôi”…

Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban còn lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa của người Ê đê

Và còn những trăn trở

Điều đáng nói ở đây, việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn đang là nỗi lo canh cánh của các nghệ nhân. Bởi lẽ, hầu hết các nghệ nhân được công nhận và vinh danh đều có tuổi đời cao, thậm chí có người đã “gần đất xa trời”. Trong khi đó, sự du nhập của các luồng văn hóa hiện đại khiến cho thế hệ trẻ hầu như chẳng mặn mà gì đối với văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Chính điều đó đã vô tình làm cho văn hóa truyền thống các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh bị mai một dần, thậm chí ở một số nơi đang còn có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Trăn trở về vấn đề này, nghệ nhân Điểu Marin cho biết: “Điều tôi băn khoăn nhất là hiện nay thế hệ trẻ hầu như chẳng còn mặn mà với văn hóa dân tộc nên nhiều khi việc vận động bà con tham gia các hoạt động còn nhiều khó khăn... Hy vọng Nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc”.

Nghệ nhân K’Krong ở bon B’tong, xã Đắk Som (Đắk Glong) cho hay: “Chỉ có lớp người già từ 60 tuổi trở lên là còn mê nghệ thuật dân tộc, lớp trẻ ngày càng trở nên xa lạ với nghệ thuật của truyền thống, đồng thời không có người truyền dạy. Nếu không có chính sách bảo tồn bền vững, e rằng vài năm nữa thôi các giá trị văn hóa của người Mạ sẽ mai một…”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay toàn tỉnh có 42 nghệ nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hầu hết các nghệ nhân được vinh danh đều đã lớn tuổi, trong khi nhiều công trình sưu tầm, nhiều làn điệu dân ca còn đang “nằm kín” trong đầu của những nghệ nhân cao tuổi. Bên cạnh đó, những người biết thuần thục các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình còn rất ít; một số người cao tuổi chỉ nhớ được một số bài, hát được một số làn điệu…

Đây không chỉ là trăn trở của các nghệ nhân mà cũng là trăn trở của những người làm công tác văn hóa. Do đó, cùng với việc động viên, khuyến khích đội ngũ nghệ nhân nỗ lực truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, các cấp, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, chủ thể của văn hóa hiểu rõ ý nghĩa và biết gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy trách nhiệm lớn lao hơn nên cần phải cố gắng nhiều hơn nữa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO