Thi công đường vành đai phía Tây Nam huyện Đắk Song: Phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh

Hoàng Thanh - Phan Tuấn| 20/11/2017 10:32

Đường vành đai phía Tây Nam huyện Đắk Song được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1720 ngày 30/10/2013, chủ dự án là UBND huyện Đắk Song. Đến năm 2015, dự án chính thức khởi công, nhưng trong quá trình thi công đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh, buộc huyện phải nỗ lực giải quyết.

ADQuảng cáo

Nhiều cây trồng của người dân bị chết do bị ngập úng nước

Nhiều hộ dân hiến đất để làm đường

Đường vành đai đi qua nhiều tổ dân phố của thị trấn Đức An và nhiều nương rẫy sản xuất tại địa bàn, nên người dân rất nhiệt tình hưởng ứng. Để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai dự án, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, chặt bỏ cây trồng.

Ông Phạm Văn Phương, ở tổ dân phố 1, thị trấn Đức An cho biết: “Tôi ở đây đã nhiều năm nên thấm thía cái cảnh khi chưa có đường, đi lại rất vất vả, nhất là trời mưa, lầy lội, trơn trượt. Vì vậy, khi Nhà nước đầu tư tuyến đường, người dân rất vui mừng, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, gia đình tôi cũng chặt bỏ nhiều hàng cà phê để mở đường”.

Bà Lê Thị Thùy, ở tổ dân phố 3 cũng nói: “Gia đình tôi có hơn 1 ha rẫy ở đây. Vì vậy, cũng như nhiều gia đình khác, gia đình tôi chặt bỏ 2 hàng bơ rất sai quả để làm đường mà không yêu cầu đền bù đất. Có đường, chúng tôi rất thuận lợi trong việc giao thông, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Nhờ sự đồng thuận của người dân, đầu năm 2015 dự án đã khởi công và đến nay thi công được khoảng 70% khối lượng công việc. Nếu không có những vấn đề phát sinh thì dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm nay theo đúng kế hoạch.

Hệ thống mương thoát nước của tuyến đường chưa được đầu tư đồng bộ

Nhiều vấn đề phát sinh

Phát sinh đầu tiên, ảnh hưởng đến tiến độ dự án là nhiều hộ dân trên địa bàn đã khiếu nại việc trong quá trình thi công không có rãnh thoát nước nên nước tràn vào nhà, rẫy, ao hồ khiến họ bị thiệt hại về kinh tế, với nhiều diện tích cà phê, tiêu bị chết, ao hồ bị lấp. Đỉnh điểm của sự việc là vào đầu tháng 8 mới đây, 8 hộ dân ở các tổ dân phố 1, 4 và 6 của thị trấn Đức An đã khiếu nại tới UBND huyện về việc bị ảnh hưởng bởi việc thi công, trong đó chủ yếu là đổ đất vượt qua mốc giải phóng mặt bằng khiến cho cây trồng bị vùi lấp…

ADQuảng cáo

Tiếp đó, trong tháng 10, nhiều hộ dân khác cũng khiếu nại về việc bị thiệt hại do quá trình thi công, nhất là việc tiêu bị chết do bị úng nước. Có mặt tại tổ dân phố 1, chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến nhiều diện tích tiêu của người dân bị rụng lá, dây tiêu đã khô, hộ ít thì vài chục trụ, hộ nhiều trên 200 trụ.

Người dân phải đắp bờ kè ngăn nước chảy vào vườn rẫy

Ông Phạm Văn Hời, ở tổ dân phố 1 bị chết hơn 50 trụ tiêu cho biết: “Do không có chỗ thoát ngang nên vườn tiêu của tôi bị úng nước. Năm nay vườn tiêu này bước vào thời kỳ thu chính nên gia đình tôi bị thiệt hại khoảng vài tạ tiêu, lo nhất là không thể phục hồi lại được”. Rẫy của gia đình ông Mai Văn Đốc ở gần đó lại bị nước tràn qua, xói trực tiếp vào vườn tiêu nên khoảng 200 trụ tiêu hiện đã bị chết, nhiều trụ khác cũng có dấu hiệu không thể cứu vãn.

Theo ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đắk Song, đại diện chủ đầu tư, phát sinh tiếp theo là chi phí đền bù tăng so với dự toán ban đầu. Mặt khác, trong quá trình thi công, phát sinh các đường thoát nước ngang nên chủ đầu tư phải điều chỉnh, nên việc thi công kéo dài.

Dự án Đường vành đai Tây Nam huyện Đắk Song được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 5 miền núi, bề rộng nền 6,5 m, mặt đường 3,5 m bằng bê tông xi măng, tổng chiều dài tuyến là 6.376,19 m, với tổng mức đầu tư 37 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương.

Huyện đang nỗ lực giải quyết

Trước khiếu nại của người dân, UBND huyện Đắk Song đã có các Quyết định số 1210 ngày 25/8/2017 và Quyết định số 1534 ngày 8/11/2017 về việc thành lập các tổ xác minh, tìm hiểu, xác định thiệt hại trong quá trình triển khai dự án và sau khi có kết luận sẽ hỗ trợ cho người dân.

Theo ông Trần Văn Quảng, do bất cập trong thiết kế ban đầu, nên hiện đơn vị đang điều chỉnh lại thiết kế nhằm hạn chế việc nước thoát chảy trực tiếp vào nhà, rẫy của các hộ dân. Theo dự án đã được phê duyệt, trên chiều dài toàn tuyến có 4 trục đường ngang dân sinh gồm: trục 1: 3562 m, trục 2: 746 m, trục 3: 813m và trục 4: 1253 m. Toàn bộ các trục đường này được trải nhựa. Theo thiết kế, các trục đường ngang này không có rãnh thoát nước, nên xảy ra việc nước tràn vào nhà ở và vườn rẫy, khiến người dân bức xúc, khiếu nại. Vì vậy, Ban Quản lý dự án huyện đã đề xuất thi công thêm 3 rãnh thoát nước ngang tại các trục 1, 2 và 3 để thoát nước, hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Theo UBND huyện Đắk Song, huyện đã chi trả 5,6 tỷ đồng đền bù đất và cây trồng cho người dân, nhưng hiện nay chi phí đền bù phát sinh thêm 1,75 tỷ đồng. Nguyên do là một số hộ ban đầu vận động thì tình nguyện hiến hết đất, nhưng sau chỉ chịu hiến một phần. Đối với những trường hợp này, huyện sẽ tiếp tục chi trả trong thời gian tới từ nguồn chi phí dự phòng của dự án.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi công đường vành đai phía Tây Nam huyện Đắk Song: Phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO