Thiết thực, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thanh Nga| 09/07/2018 10:36

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, từ 2012 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có trên 3.880 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế.

ADQuảng cáo

Nắm vững kỹ thuật từ học nghề

Năm 2014, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) được tham gia học lớp trồng trọt và bảo vệ thực vật do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp tổ chức. Sau 3 tháng học, được cung cấp các kiến thức về trồng trọt, chị Liên đã áp dụng vào thực tế vườn cà phê của mình và thấy hiệu quả rõ rệt. Trong 2 năm trước, vườn cà phê 1 ha của gia đình đạt năng suất trên 3,5 tấn nhân và vụ vừa rồi đạt đến 4,8 tấn.

Nhờ được đào tạo nghề, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) đã có vườn cà phê trĩu quả

Chị Liên chia sẻ: “Trước kia, mình bỡ ngỡ trong việc chăm sóc cà phê nhưng sau khi được học nghề thì thấy rất tự tin, bây giờ biết được thời điểm nào cần bón loại phân gì và bón bao nhiêu. Bây giờ, mỗi năm tôi chia ra 4 lần bón phân theo từng thời điểm và mỗi lần bón một ít để lúc nào cây cũng có dinh dưỡng phát triển. Cây nào nhiều trái thì mình tăng lượng phân lên, còn cây nào ít trái thì mình bỏ bớt lại, chứ trước đây cây nào cũng bón như nhau. Cây nào bị bệnh thì tập trung chữa bệnh và phòng bệnh cho những cây xung quanh để tránh lây lan chứ không phun thuốc cả vườn”.

Ngoài việc nắm vững kỹ thuật chăm sóc cà phê, chị Liên còn thành thạo ươm giống, ghép chồi cho các loại cây và chú trọng chọn giống tốt để trồng. Trong vườn cây, chị cũng hạn chế phun thuốc diệt cỏ mà chủ yếu dùng máy cắt để xốp đất. Kỹ thuật tưới nước cũng tiết kiệm nhưng đem lại hiệu quả cao. Nhờ áp dụng những kiến thức đó mà chi phí đầu tư của gia đình cũng giảm được phần nào và còn bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, thôn 16, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cũng được học lớp trồng trọt và bảo vệ thực vật rồi áp dụng vào thực tế sản xuất cũng như truyền đạt lại kiến thức cho bố mẹ biết cách trồng cà phê, cao su hiệu quả. Chị Hằng chia sẻ, trong quá trình học đã được các kỹ sư truyền đạt nhiều kiến thức theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” ngay tại vườn nên dễ hiểu. Trong quá trình học, học viên vừa được nắm vững về lý thuyết kết hợp thực hành nên về áp dụng vào thực tế sản xuất được ngay. Khi được học và có kiến thức thì ý thức về sản xuất sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường sinh thái cũng được nâng lên.

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, thôn 16, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) chủ yếu xạc cỏ thay vì phun thuốc để cải tạo đất, bảo vệ môi trường

Theo ông Trần Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên ở các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn, chủ yếu ngay tại các thôn, buôn, bon để thuận tiện cho việc học của người dân. Qua đào tạo, nông dân biết lựa chọn những cách làm hay, các mô hình tiêu biểu, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Qua khảo sát thực tế từ các hộ dân được học nghề cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, với vườn cây cho năng suất tăng khoảng 20% so với trước đây.

Với đặc thù đa số nông dân nông thôn chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu học nghề khá cao. Vì vậy, công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã đem lại nhiều lợi ích cho người học, nhất là được miễn phí và hỗ trợ tiền đi lại. Các đối tượng thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người tàn tật được ưu tiên tham gia các lớp học. Trong số hơn 3.880 người được đào tạo nghề, có gần 3.200 người thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người tàn tật.

Tạo nguồn nhân lực có trình độ nghề

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện có trên 85% số người được đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhiều gia đình sau khi học nghề đã thoát nghèo, có mức thu nhập kinh tế trung bình và khá. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nguồn nhân lực có trình độ nghề, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đào tạo nghề có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng và hiệu quả giải quyết việc làm cho học viên sau khóa học.

Ông Trần Văn Tùng cho biết: Tỉnh đang tập trung đào tạo cho lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lao động thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành viên quản lý của các hợp tác xã nông nghiệp và đào tạo nghề cho an sinh xã hội ở các vùng khó khăn. Việc đào tạo nghề dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân. Vì vậy, các địa phương cần làm tốt khâu khảo sát, tư vấn về học nghề, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO