Thiếu giáo viên - “Câu chuyện chưa có hồi kết”

Hà An| 06/08/2018 10:02

Nhiều năm gần đây, cứ sắp bước vào năm học mới, các địa phương lại “đồng loạt ca bài ca” thiếu giáo viên. Và rồi năm nay cũng không ngoại lệ.

ADQuảng cáo

Ngay tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa 3 và phiên họp thường kỳ tháng 8 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là thiếu giáo viên cấp học mầm non lại một lần nữa được các địa phương nhắc tới. Điều đáng nói, ngay cả lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận câu chuyện thiếu giáo viên sẽ “chưa có hồi kết” nếu ngành giáo dục, các cấp không có sự linh hoạt theo kiểu “tùy cơ ứng biến”.

Đơn cử như bước vào năm học 2018-2019, huyện Đắk Glong có khoảng 542 lớp với 17.627 học sinh ở các cấp học, tăng 18 lớp và 850 học sinh so với năm học 2017-2018. Như vậy, hiện huyện đang thiếu khoảng 291 giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học, trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất với khoảng 208 giáo viên; trung học cơ sở thiếu 42 giáo viên và tiểu học thiếu 41 giáo viên.

Theo ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thì nếu không được bổ sung biên chế, số giáo viên thiếu hằng năm sẽ là “cấp số cộng”, năm sau cao hơn năm trước bởi số lượng học sinh trên địa bàn hằng năm tăng. Tương tự, tại huyện Đắk R’lấp, theo ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thì trong năm học 2018-2019, toàn huyện thiếu khoảng 97 giáo viên, trong đó riêng cấp học mầm non thiếu khoảng 77 giáo viên. Trong điều kiện không có biên chế bổ sung, huyện đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương ký lại hợp đồng với 71 giáo viên để bảo đảm nhu cầu dạy học trong năm học mới.

Không chỉ 2 địa phương đã nêu, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở hầu khắp các huyện, thị xã. Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dân số cơ học tăng nhanh, trong khi biên chế giáo viên hằng năm không được bổ sung mà còn phải giảm theo lộ trình chính phủ đề ra (theo đề án tinh giản biên chế thì mỗi năm, ngành giáo dục phải giảm tối thiểu 31 biên chế).

ADQuảng cáo

Về vấn đề này, tại chuyến thăm và làm việc tại Đắk Nông vào đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Chủ trương của Chính phủ là tinh giản biên chế nhằm từng bước tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước để hoạt động hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, chủ trương chung là vậy, song tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, biên chế hằng năm có thể được xem xét bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, nhất là nhiệm vụ giáo dục, y tế.

Với Đắk Nông, là tỉnh trẻ, dân di cư tự do phát sinh hằng năm cao nên việc bổ sung biên chế cho ngành giáo dục là điều cần thiết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, biên chế giáo dục của tỉnh hiện không thiếu ở mức độ như các địa phương phản ánh mà đang có những bất hợp lý trong cơ cấu, sử dụng biên chế hiện có.

Cụ thể là biên chế sử dụng cho cấp quản lý, hành chính ở lĩnh vực giáo dục hiện chưa được sắp xếp phù hợp. Tình trạng một số điểm trường chỉ có mấy chục học sinh nhưng vẫn phải biên chế đầy đủ các vị trí như hiệu trưởng, hiệu phó, văn thư, kế toán, thủ quỹ và các giáo viên bộ môn tương ứng lớp học, chương trình học. Một số biên chế theo hợp đồng 68 tại các cấp học cũng đang có tình trạng thiếu hợp lý.

Chưa kể, ngoài cấp học mầm non, một số địa phương hiện vẫn chưa sử dụng hết biên chế cho cấp tiểu học và trung học cơ sở hoặc ngược lại đã sử dụng nhưng rơi vào tình trạng dư thừa chưa được sắp xếp lại. Điều đáng nói, vấn đề sắp xếp, cắt giảm các biên chế dư thừa ở cấp học này để bổ sung biên chế cho cấp học khác lại không hề đơn giản. Bởi vì hầu hết nhu cầu biên chế cấp bách hiện nay là giáo viên cấp mầm non. Trong khi không thể điều chuyển giáo viên cấp trung học cơ sở hay tiểu học xuống dạy cấp mầm non ngay lập tức. Đối với một số biên chế hành chính sự nghiệp lại càng không thể điều chuyển sang công tác giảng dạy vì chưa có chuyên môn sư phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tình tạng thiếu biên chế ngành giáo dục sẽ còn diễn ra nếu các địa phương không quyết tâm rà soát, sắp xếp lại một cách hợp lý. Để làm được điều này, việc xây dựng lại vị trí, nhu cầu công việc để xây dựng đề án đào tạo, đào tạo lại số biên chế dư thừa, bổ sung cho những nơi thiếu là cần thiết. Trước mắt, Sở đang chỉ đạo các địa phương thiếu giáo viên, cơ sở vật chất cấp học mầm non tập trung ưu tiên cho phổ cập trẻ 5 tuổi. Những cháu dưới 5 tuổi thì tùy vào thực tế để tuyển sinh và đẩy mạnh xã hội hóa. Mặt khác, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, bố trí ngân sách để ký hợp đồng với những giáo viên còn thiếu ở các cấp học trong điều kiện cho phép để bảo đảm công tác dạy học ngay từ khi bước vào năm học mới 2018-2019.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu giáo viên - “Câu chuyện chưa có hồi kết”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO