Thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến

Lam Giang| 13/04/2017 10:20

Thời gian qua, thực hiện chính sách đối với dân công hỏa tuyến (DCHT) theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ là một nội dung quan trọng trong công tác chính sách được các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh tập trung thực hiện.

ADQuảng cáo

Cán bộ Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp, giải quyết các vướng mắc trong thực hiện các chính sách cho người dân

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, đến nay, các trường hợp được xét duyệt và chi trả đều bảo đảm công khai, đúng đối tượng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Quyết định 49 còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Qua kết quả khảo sát ban đầu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.018 trường hợp DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được thụ hưởng chính sách. Lực lượng này trực tiếp tham gia làm các nhiệm vụ như cắm chông, đào hào, làm đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, phục vụ chiến đấu ở các địa bàn biên giới...

Thực hiện quyết định, tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo cũng như ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục hồ sơ và giao trách nhiệm cho cơ quan các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với DCHT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện.

Các địa phương cũng tổ chức quán triệt, tập huấn những nội dung trong Quyết định 49 cho đội ngũ làm công tác chính sách, hội đồng chính sách cấp xã, phường, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở. Thế nhưng, qua  gần 1 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh chỉ mới giải quyết được 237 hồ sơ và chuyển Quân khu 5 xét duyệt 234 hồ sơ.

ADQuảng cáo

Theo Thượng tá Trần Thanh Hữu, Trưởng Ban Chính sách, Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), nguyên nhân của tình trạng trên là do hầu hết các trường hợp đều không có giấy tờ chứng minh thời gian tham gia  DCHT. Tài liệu lưu trữ ở cấp xã trải qua hàng chục năm, nay cơ bản không còn. Cụ thể, theo thủ tục quy định, trong bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ một lần (mẫu 1A) có ghi quá trình tham gia DCHT như ngày đi, nơi đi; ngày về, nơi về; cấp huy động tập trung; người chỉ huy; người trong thôn, xã cùng đi, cùng về...

Trải qua gần 40 năm, nhớ được những điều đó thật không phải dễ dàng. Nhất là những người tham gia DCHT trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đa số đã mất, thân nhân kê khai thường không nắm rõ thời gian tham gia. Những người còn sống thì giờ đã già, yếu, trí nhớ suy giảm, cũng không xác định được cụ thể thời gian tham gia của bản thân. Mặt khác, đa số trường hợp đều di cư từ các địa phương khác vào, nhất là phía Bắc nên quá trình xác minh gặp nhiều khó khăn...Hồ sơ phải gửi về địa phương nơi người đó ra đi tham gia DCHT để xác nhận. Nếu địa phương nào nhiệt tình thì nhanh, còn hầu hết dù đã gửi công văn nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Cùng với đó, một số người ở địa phương là dân tộc thiểu số không quan tâm lắm đến chế độ, chính sách nên không tiến hành kê khai để xã họp xét thành từng đợt nên kéo dài. Một nguyên nhân nữa là tinh thần, trách nhiệm và sự vào cuộc chưa quyết liệt của một số cấp ủy, chính quyền ở cấp xã đa số là kiêm nhiệm, nắm bắt quy định, quy trình không chắc nên thực hiện chưa đúng… Ngoài ra, do số tiền được hưởng không lớn trong khi hồ sơ, thủ tục xét duyệt mất nhiều thời gian, công sức nên khả năng nhiều trường hợp DCHT không muốn làm.

Theo Đại tá Trần Thiên Cảnh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh cũng như tổ chức kiểm tra thường xuyên các huyện, thị xã trong quá trình triển khai. Cán bộ làm chính sách sẽ được cử đến từng thôn, bon, khu dân cư để tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm bắt thực hiện, cố gắng không để sót các trường hợp DCHT.

Theo quy định của Quyết định 49/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, mức trợ cấp một lần được ấn định các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia DCHT. Trường hợp có thời gian tham gia DCHT ở các đợt khác nhau hoặc gián đoạn thì được cộng dồn.

Cụ thể: Dưới 1 năm mức trợ cấp 2 triệu đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp 2,7 triệu đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3,5 triệu đồng. Người đã từ trần thì vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng. Ngoài ra, còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp mai táng phí.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO