Thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục có thêm những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững

Nguyễn Hiền| 28/05/2019 10:38

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi là một trong những nhiệm vụ chính trị được Đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và được cụ thể hóa thành các nghị quyết. Tuy nhiên, qua giám sát của Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo vùng DTTS, miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ để giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng không bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2012-2018 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, ở một số huyện dù tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng không bền vững.

Tỷ lệ giảm nhưng số lượng hộ nghèo hàng năm vẫn tăng

Đắk Glong là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Theo đánh giá của UBND huyện, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 5,11% -7,13%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong 8 năm triển khai thực hiện chương trình, toàn huyện đã có 5.685 hộ thoát nghèo. Thực tế thì số hộ thoát nghèo hàng năm của huyện khá lớn, nhưng số hộ nghèo năm sau so với năm trước lại giảm không đáng kể.

Dân số tăng nhanh cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Đắk Glong tăng cao (Trong ảnh: Nhiều hộ dân ở xã Quảng Hòa vẫn còn sinh nhiều con)

Điển hình như năm 2016, toàn huyện có 9.229 hộ nghèo, chiếm trên 62%, trong đó giảm được 451 hộ nghèo so với năm 2015. Đến năm 2017, trong tổng số 8.903 hộ nghèo có đến 850 hộ thoát nghèo, nhưng số hộ nghèo chỉ giảm được 326 hộ so với năm 2016. Đến năm 2018, trong tổng số 7.876 hộ nghèo có đến 1.311 hộ thoát nghèo nhưng chỉ có 1.027 hộ nghèo, giảm so với năm 2017.

Tại huyện Tuy Đức, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo các năm có giảm nhưng giảm không ổn định, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Điển hình như tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 toàn huyện tăng 4,89% so với năm 2017, tương đương tăng 928 hộ. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện tuy giảm 6,79% nhưng tỷ lệ hộ nghèo DTTS lại tăng lên 1,75% và hộ nghèo DTTS tại chỗ tăng 1,36%. Đối với hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm hàng năm không ổn định. Cụ thể, cuối năm 2016 tỷ lệ hộ cận nghèo giảm được 2,1%, tương đương giảm 234 hộ nhưng hộ cận nghèo DTTS lại tăng 4,75% và hộ cận nghèo DTTS tại chỗ tăng 5,11%.

Một trong những nguyên nhân được huyện Tuy Đức xác định có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao là do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều hợp tác xã. Ảnh: Người dân xã Đắk Búk So thu hoạch khoai lang

ADQuảng cáo

Một bộ phận người nghèo không thích “thoát nghèo”

Tại huyện Đắk Glong, qua điều tra hàng năm, địa phương xác định tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, số hộ thiếu vốn sản xuất chiếm 50,69%; thiếu phương tiện sản xuất chiếm trên 24%; thiếu đất sản xuất chiếm 12,59%; thiếu người lao động, có đông người ăn theo, ốm đau chiếm trên 6,2%; không biết cách làm ăn, thiếu tay nghề chiếm 4,87%; thiếu việc làm chiếm 0,6%; chây lười lao động chiếm 0,07%... Huyện cũng lý giải, bao trùm tất cả là do số lượng dân di cư tự do từ nơi khác chuyển đến nhiều, do tách hộ nghèo, một số hộ nghèo thoát nghèo nhưng lại rơi vào hộ cận nghèo...

Tại huyện Tuy Đức, Bí thư Huyện ủy K’Bốt cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do dân số hàng năm tăng nhiều. Người dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng gần như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều hợp tác xã. Ngoài ra, các yếu tố như thiếu nguồn nước, biến đổi khí hậu, giá cả nông sản không ổn định cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân. Còn theo bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức cho biết, một bộ phận người nghèo gần như không thích “thoát nghèo” vì mất đi một số chế độ hỗ trợ như chính sách về y tế, giáo dục... Một số hộ dù đã thoát nghèo nhưng dễ tái nghèo do sinh nhiều con, bình quân mỗi hộ phải sinh từ 3-5 con. Nhiều hộ dân còn rụt rè, chưa mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất...

Cần xác định rõ hơn nguyên nhân

Qua giám sát thực tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội  Hà Ngọc Chiến đề nghị, vì mỗi huyện đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nên cần có những giải pháp đặc thù riêng. Mỗi huyện cần xác định rõ hơn nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo cao tại địa phương mình. Từ đó, các huyện tập trung những giải pháp sát thực và phù hợp hơn nhằm có sự tác động thực sự, góp phần gỡ khó trong quá trình triển khai.

Điển hình như huyện Tuy Đức qua giám sát thấy rõ sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong triển khai các nội dung, mục tiêu chưa thật sự chặt chẽ. Huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ kết hợp cung cấp những kiến thức, mô hình làm kinh tế phù hợp để phát huy nguồn vốn.

Đối với huyện Đắk Glong có số lượng xã nghèo nhiều nên xác định rõ đặc điểm của từng xã để tập trung đầu tư theo từng tiêu chí cụ thể trong các năm, các giai đoạn. Huyện Đắk Glong cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền một cách sâu rộng đối với cả Ban chỉ đạo, những đơn vị liên quan và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Từ nhận thức sâu sắc sẽ phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của cộng đồng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

>> Kỳ 2: Bất cập từ thực tế triển khai

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục có thêm những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO