Thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục có thêm những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững (kỳ 2): Bất cập từ thực tế triển khai

Nguyễn Hiền| 29/05/2019 09:36

Để đạt các mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương cũng như có những chính sách đặc thù riêng của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên quá trình triển khai một số chính sách, dự án vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả.

ADQuảng cáo

“Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”

Trong báo cáo của các huyện hầu như đều đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao là do một bộ phận người dân chưa hiểu được vai trò và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, còn thụ động trong tiếp cận các chính sách giảm nghèo. Một số nơi vẫn còn tồn tại tập quán canh tác lạc hậu, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhiều hộ dân ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, trong các chính sách hỗ trợ lại có nhiều chính sách mang tính hỗ trợ trực tiếp. Vẫn biết rằng, cần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp rất khó để phát huy được hiệu quả, chỉ như “muối bỏ bể”.

Người dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) nhận hỗ trợ tiền điện

Qua các đợt giám sát của HĐND tỉnh cũng cho thấy, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp chỉ mang tính chất trước mắt và nhiều khi không phù hợp với thực tế, nhu cầu của các hộ dân như hỗ trợ cây giống, phân bón, tiền điện... Điển hình như việc thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp gần như không phát huy hiệu quả hoặc tác động mờ nhạt. Điều đáng nói là trong Quyết định 755 có hạng mục hỗ trợ đất sản xuất nhưng vì nhiều nguyên nhân nên không triển khai hỗ trợ được. Các huyện đã “linh động” chuyển qua hỗ trợ nông cụ máy móc. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là nếu không hỗ trợ được đất thì việc cấp phát nông cụ có phù hợp hay không...

Cũng theo Quyết định 755 về cấp nước sinh hoạt có hỗ trợ bồn đựng nước. Nhưng qua kiểm tra thì hầu hết sử dụng không hiệu quả, thậm chí một số hộ “để dành” vì gia đình sử dụng nước giếng và chưa cần đến. Hay như Quyết định 102/2009/QĐ-TTg có phần lớn nội dung hỗ trợ trực tiếp như muối I ốt, các giống cây trồng, vật nuôi... cũng trong tình trang nói trên.

Trong buổi giám sát về thực hiện chính sách giảm nghèo của Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại huyện Tuy Đức, ông Phạm Tri Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để giúp người dân thoát nghèo bền vững thì “Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”. Ông khẳng định, các chính sách hiện nay vẫn còn quá nặng về...“cho vàng”, còn “chỉ đàng làm ăn” vẫn còn hạn chế. Điều cần thiết là người dân, nhất là ở vùng khó khăn cần thay đổi được tư duy trong cách thức tiếp cận và phát triển kinh tế. Các hộ dân cần được tăng cường hướng dẫn, trang bị những kiến thức về làm kinh tế, phát triển lợi thế lao động của gia đình cũng như đặc điểm thế mạnh trên địa bàn mình.

Do thiếu quỹ đất sản xuất nên huyện Đắk Glong chuyển đổi  sang hỗ trợ nông cụ sản xuất nhưng không phát huy hết hiệu quả (Ảnh: Người dân xã Đắk P'lao nhận hỗ trợ nông cụ sản xuất)

ADQuảng cáo

Triển khai còn chồng chéo, thiếu tập trung

Trong khi nguồn vốn phân bổ còn hạn chế, chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế thì việc triển khai các chương trình, dự án còn mang tính chồng chéo, thiếu tập trung.  Thực tế cho thấy, các huyện thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo cùng lúc nhưng một số nội dung hỗ trợ giống nhau lại có ở nhiều chính sách, dự án. Điển hình như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững đều có trong Chương trình 30a, Chương trình 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên...

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: Qua nắm bắt ở các huyện thì hiện nay có 9 loại chính sách khác nhau chưa kể chính sách đặc thù của tỉnh. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp có đến 5 chính sách với 5 quyết định khác nhau. Đây là điều rất khó để triển khai thực hiện tích hợp. Hiệu quả của từng loại chính sách cũng chưa được đánh giá rõ ràng. Chương trình nào cũng có hỗ trợ cây giống, con giống, đào tạo và tập huấn về khuyến nông, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững... Nhưng thực tế, trình độ lao động qua đào tạo của tỉnh lại quá thấp. Các mô hình gần như chưa rõ ràng, chưa được nhân rộng, phổ biến”.

Điều đáng nói là các chính sách, dự án giảm nghèo dù có một số nội dung giống nhau nhưng quá trình triển khai thì “mạnh ai nấy làm”. Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ, chương trình giảm nghèo là chương trình cần có sự điều hành đồng bộ, tính lồng ghép cao nhưng trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý triển khai các dự án, chính sách còn mang tính độc lập, riêng lẻ, chưa có sự phối hợp. Đặc biệt, các dự án giảm nghèo của các tổ chức nước ngoài tài trợ, hỗ trợ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhưng cơ quan thường trực giảm nghèo thường xuyên không biết tình hình, tiến độ, kết quả và hiệu quả cũng như tác động giảm nghèo của các dự án.

Các hộ nghèo, cận nghèo cần được giúp "chỉ đàng làm ăn"

Và nhiều nguyên nhân chủ quan khác

Ngoài ra, quá trình triển khai cũng còn những nguyên nhân chủ quan như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương chưa thường xuyên, liên tục và kịp thời. Một bộ phận cấp ủy, chính quyền, người dân nhận thức chưa đúng và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo dẫn đến người nghèo, xã nghèo vẫn còn ỷ lại...

Về phía Trung ương, việc ban hành các chính sách giảm nghèo còn chung chung, trong khi chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp cho người nghèo còn hạn chế. Chủ trương, cơ chế áp dụng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của Trung ương thực hiện chưa đồng bộ nên việc triển khai ở địa phương còn lúng túng. Một số chính sách không còn phù hợp nhưng chậm sửa đổi và bổ sung. Hệ thống mạng lưới chính sách giảm nghèo chủ yếu tập trung, bình quân chung cho các hộ nghèo, chưa có sự phân nhóm ưu tiên đặc thù...

Liên quan đến việc triển khai các chương trình, dự án chồng chéo, chưa tập trung, ông Phạm Tri Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Các huyện cần phân tích, đánh giá cụ thể mức tác động của các chính sách. Những chính sách nào chưa phù hợp, bất cập trong quá trình triển khai cần kiến nghị đề xuất để xem xét bổ sung, chỉnh sửa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục có thêm những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững (kỳ 2): Bất cập từ thực tế triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO