Thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục có thêm những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững (kỳ cuối): Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Nguyễn Hiền| 30/05/2019 09:39

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, nhờ có các chính sách giảm nghèo của Trung ương và đặc thù của tỉnh đã góp phần tác động tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông vẫn còn cao so với trong khu vực. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng với việc khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai, tỉnh kiến nghị Trung ương cần bổ sung, sửa đổi một số chính sách phù hợp.

ADQuảng cáo

Nên phân loại chính sách đối với từng đối tượng cụ thể để giúp người nghèo vươn lên (Ảnh: Người dân xã Đắk R'măng (Đắk Glong) ươm cây giống cà phê)

Vẫn còn nhiều thách thức

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cùng với các chính sách, dự án của Trung ương như Chương trình 30a, Chương trình 135, tỉnh cũng đã có sự quan tâm, ban hành các chính sách đặc thù đối với các hộ nghèo và cận nghèo đồng bào DTTS như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên; hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh và phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở...

Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh đã cụ thể hóa thành Nghị quyết 19/2012/NQ-HĐND, đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể là giảm 3%/năm tỷ lệ hộ nghèo; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 5-6%, hộ nghèo là đồng bào DTTS tại chỗ giảm 7-8% so với năm trước. Ở giai đoạn này, mặc dù chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm không đạt so với nghị quyết nhưng tỷ lệ giảm hộ nghèo của cả giai đoạn vẫn đạt chỉ tiêu đề ra. Từ thực tế trên, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã quyết liệt hơn và cụ thể hóa thành Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND và đã đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, hàng năm tỉnh đã giảm được 2% tỷ lệ hộ nghèo; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 3%, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm trên 4% so với năm trước.

Mặc dù đạt được theo tinh thần nghị quyết đề ra nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh không bền vững và cao so với các tỉnh trong khu vực. Ngoài những nguyên nhân khách quan về điều kiện sản xuất, xuất phát điểm về kinh tế thấp thì những khó khăn, hạn chế và bất cập từ ban hành chính sách của Trung ương đến triển khai trong thực tế đang là thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Mong có chính sách toàn diện, đồng bộ

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Đắk Nông là một tỉnh rất nghèo nhưng qua nỗ lực phấn đấu, tập trung các nguồn lực, tỉnh đã giảm được 13,5% hộ nghèo. Tỉnh ủy cũng ban hành nghị quyết đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và chậm phát triển. Đây là mục tiêu rất quyết liệt của cả Đảng bộ và chính quyền và người dân”.   

ADQuảng cáo

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, thời gian qua, Trung ương đã có nhiều chính sách về giảm nghèo nhưng chưa thật sự bền vững nên thời gian tới cần có một chính sách toàn diện, đồng bộ hơn. Chính sách đồng bộ là chính sách cụ thể cho tỉnh nghèo, có đông người nghèo là DTTS, chính sách cho những doanh nghiệp đến đầu tư cho tỉnh nghèo… Đối với người nghèo, đặc biệt là người nghèo DTTS thì có chính sách được hưởng những gì. Chính sách nên quy định rõ những nội dung nào nên hỗ trợ hẳn 100%, những phần nào liên quan đến kinh tế nên quy định cho vay theo lãi suất nhằm tránh sự ỷ lại của đồng bào.

Các chính sách cũng cần phân biệt đối tượng thụ hưởng rõ ràng hơn. Điển hình như đối với người già, yếu thế xã hội thì nên có chế độ riêng, không tính vào người nghèo vì thực chất những trường hợp này rất khó để thoát nghèo. Các trường hợp mới thoát nghèo bị cắt hết chính sách cũng không ổn, nên chăng cần có độ bền của chính sách. Ví dụ như hộ vừa thoát nghèo có thể kéo dài thụ hưởng chính sách thêm 2-3 năm bằng ngân sách địa phương nhằm giúp họ ổn định và có thể động viên các hộ ra khỏi diện nghèo.

Ngoài ngân sách Trung ương phân bổ nên phân bổ thêm ngân sách của những tỉnh giàu cho tỉnh nghèo, đó giống như sự san sẻ trách nhiệm giữa các địa phương trong một nước. Riêng về ưu đãi đầu tư, có thể thấy hiện nay gần như đồng đều nhau trong cả nước, không còn tính chất ưu đãi riêng đối với tỉnh nghèo nữa. Điều này dễ hiểu tại sao các doanh nghiệp thường ưu tiên đầu tư ở những địa phương thuận lợi, ít quan tâm đến những địa phương khó khăn ở miền núi, Tây Nguyên.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Đắk Nông cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Đề xuất những giải pháp, chính sách hay, phù hợp

Qua làm việc với một số huyện và UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Đắk Nông trong thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để giảm nghèo đạt được hiệu quả bền vững cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.Việc ban hành các chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của tỉnh, nhưng thời gian tới cần có hình thức thực hiện hiệu quả hơn, huy động các nguồn vốn đầu tư tập trung hơn. Giải pháp căn cơ của địa phương là cần sâu sát hơn, xác định được nguyên nhân cốt lõi để đề xuất những giải pháp tháo gỡ đối với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, qua thực tế triển khai từng loại chính sách, tỉnh nên đề xuất những giải pháp, chính sách hay, phù hợp, mang tính đặc thù. Những chính sách không phù hợp cũng cần phân tích rõ và đề xuất để bổ sung hoặc thay thế kịp thời cả về thể thức văn bản, quy định đối tượng thụ hưởng, phân bổ vốn... Từ những hạn chế, tỉnh cần nghiên cứu và tập trung tháo gỡ, không để kéo dài. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm nguồn vốn của ngân hàng chính sách và của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân. Vốn của ngân hàng chính sách cần có thời hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất của người dân, chứ không phải theo thời hạn ngân hàng đề ra. Đây cũng là cách để người dân tiếp cận hiệu quả với nguồn tín dụng rẻ, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng vùng, hạn chế các “tín dụng đen”, bảo vệ người dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Tiếp tục có thêm những giải pháp căn cơ, mang tính bền vững (kỳ cuối): Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO