Thực hiện chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: Cần nâng cao trách nhiệm, giúp đồng bào tiếp cận, hưởng lợi

Ngọc Dũng| 20/04/2017 10:26

Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thực hiện nghị quyết vẫn chưa thật sự phát huy hết hiệu quả.

ADQuảng cáo

Anh Điểu The (bên phải) ở bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cho rằng nên tăng nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất để có điều kiện mở rộng diện tích cây trồng và chăm sóc tốt hơn.

Chỉ mới dừng lại ở một số mô hình

Ngày 9/12/2011, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37 về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2012-2013. Tiếp đó, ngày 16/7/2014, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14 và ngày 18/12/2014 ban hành Nghị quyết số 43 về việc kéo dài thực hiện Nghị quyết số 37 trong giai đoạn 2015-2020. Đây là một trong những chính sách mang tính đặc thù riêng của tỉnh, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng.

Theo đó, người được hưởng lợi là những hộ dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Ê đê và Mạ, kể cả những hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số tại chỗ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong hợp đồng tín dụng tối đa là 300 triệu đồng/hộ/năm, với mức hỗ trợ lãi suất bằng 40% số lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ/năm. Mặc dù số tiền hỗ trợ lãi suất không lớn so với các chương trình, chính sách khác nhưng chính sách nhằm góp phần “tiếp sức” cho các hộ dân tộc thiểu số tại chỗ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay, giảm bớt gánh nặng về lãi suất.

Điều đáng nói, về mặt hiệu quả, qua thực hiện chính sách, từ nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Một số hộ đã mạnh dạn phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình phù hợp.

Điển hình như hộ bà Thị Bưl ở bon Ja Lú A, xã Quảng Tân (Tuy Đức) đã vay 600 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản và đầu tư chăm sóc hơn 1.000 cây sầu riêng, bước đầu cho thu nhập khá. Hộ anh Điểu The ở bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cũng vay 4 lượt, tổng cộng 550 triệu đồng để đầu tư cho vườn cà phê, tiêu và điều. Anh Điểu The tâm sự: “Từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng cà phê xen tiêu và kịp thời đầu tư phân bón, tưới tắm hàng năm. Nhờ đó, năng suất vườn cây ngày càng tăng so với những năm trước”.

Không chỉ riêng Điểu The, một số hộ khác cũng đã sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay như hộ ông Điểu Phi Ong ở bon Diêng Ngaih, Thị Him ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), H’Xiêm ở bon Bu Bơ, xã Trường Xuân (Đắk Song)...

Nhờ nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất, gia đình chị Thị Bưl ở bon Ja Lú A, xã Quảng Tân (Tuy Đức) có điều kiện chăm sóc vườn tiêu xanh tốt.

ADQuảng cáo

Tuyên truyền “chưa đến nơi đến chốn”

Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, số lượng các hộ đồng bào được tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là rất ít. Theo thống kê, từ khi thực hiện Nghị quyết đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 497 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được hỗ trợ lãi suất vốn vay với tổng kinh phí hỗ trợ 1,581 tỷ đồng (trong khi đó, toàn tỉnh có 13.437 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ). Trong đó, địa phương có số hộ được hỗ trợ lãi suất vốn vay nhiều nhất là huyện Đắk Glong với 170 hộ, Đắk Song 128 hộ. Địa phương có số hộ được hỗ trợ lãi suất vốn vay thấp nhất là huyện Tuy Đức: 28 hộ và Chư Jút 18 hộ.

Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách chưa thật sự “đến nơi đến chốn”. Vì vậy, nhiều người dân trong diện hưởng lợi chính sách nhưng do không biết thông tin nên không thực hiện các thủ tục đề nghị hỗ trợ. Theo kiểm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cán bộ cơ sở ở một số địa phương chưa nắm được quy định của chính sách nên chưa triển khai thực hiện trong nhân dân. Thậm chí, ngay lãnh đạo một số xã cũng không nắm được chủ trương.

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, khi được hỏi, một lãnh đạo xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cho biết là chỉ biết đến Nghị quyết số 37 chứ không biết có Nghị quyết 14 kéo dài hiệu lực hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 2015-2020. Vị này cũng cho rằng, công tác tuyên truyền chủ yếu là nhắc và chỉ đạo trong các cuộc họp, nhưng không biết “anh em có vào sổ không”. Không những vậy, việc đi vay vốn còn phải “chầu chực” ở ngân hàng rất là khổ, có khi cả tuần cũng chưa lấy được hồ sơ về. Trong khi những chỗ khác tạo điều kiện vay nhanh gọn, nên người dân đi vay vốn ở ngoài rất nhiều, nhất là các ngân hàng ở Đắk Lắk. Vì vậy, nảy sinh tình trạng “cò môi giới” vay với lãi suất cao là điều không thể tránh khỏi.

Cũng qua giám sát, ở một số địa phương khác như xã Quảng Tân (Tuy Đức), xã Nhân Cơ và xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), công tác tuyên truyền cũng chưa đi vào chiều sâu. Về phía ngân hàng, nhiều hộ dân phản ánh, vì nương rẫy ở xa, lại chỉ vay vốn với số lượng ít nên quá trình thế chấp, cán bộ ngân hàng “ngại” đi thẩm định. Một số ngân hàng thực hiện việc thu lãi suất của người dân qua tài khoản, không có biên lai nên nhiều hộ mặc dù đã vay từ lâu nhưng vẫn chưa được nhận sự hỗ trợ.

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng người dân chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất nữa là do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điển hình như tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) không có hộ nào được hưởng lợi do chưa được cấp “sổ đỏ”. Xã Đắk Búk So và xã Đắk Ngo (Tuy Đức) mỗi xã chỉ có 1 trường hợp được hỗ trợ lãi suất vốn vay…

Một nguyên nhân phổ biến nữa là mặc dù biết có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay, nhưng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn e ngại, không xây dựng được phương án, kế hoạch để đầu tư phát triển. Những hộ mạnh dạn tiếp cận thì số lượng nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất lại hạn chế.

Cần giúp đồng bào được hưởng lợi

Qua thực tế giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc thực hiện nghị quyết. Các địa phương cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để chính sách thật sự đến với người dân nhiều hơn, sâu rộng hơn. Các đơn vị liên quan, nhất là các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay cũng như hưởng lợi chính sách hỗ trợ lãi suất. Về phía HĐND tỉnh cũng sẽ kiến nghị các cấp liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: Cần nâng cao trách nhiệm, giúp đồng bào tiếp cận, hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO