Thực hiện Đề án giảm nghèo tại 6 bon đặc biệt khó khăn tại Tuy Đức: Động lực giúp người nghèo vươn lên

Nguyễn Lương| 29/12/2016 11:12

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh…, đó là giải pháp hỗ trợ đã, đang được huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) triển khai thông qua Đề án giảm nghèo tại 6 bon đặc biệt khó khăn (Đề án). Mặc dù kết quả đạt được đang ở mức độ ban đầu nhưng Đề án triển khai đã từng bước tiếp thêm động lực để bà con đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

ADQuảng cáo

“Cầm tay chỉ việc”

Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, với 5 sào cà phê, gia đình ông Điểu Toi, ở bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực đã thu về được gần 1,5 tấn nhân. So với năm 2015, sản lượng vườn cây cao hơn gấp 3 lần.

Ông Điểu Toi nói trong niềm vui mừng: “Kết quả này có được là do gia đình tôi được tham gia vào chương trình cải tạo vườn tạp của huyện. Tham gia chương trình này, tất cả các khâu từ đào hố, chọn giống, đổ phân, phun thuốc, thu hoạch, bảo quản cà phê… đều được cán bộ xuống tận vườn để hướng dẫn rất kỹ càng”.

Được biết, trước đây, gia đình ông Điểu Toi cũng giống nhiều hộ dân khác tại bon, trong quá trình trồng cây cà phê chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Khi cây trồng nhiễm bệnh, các hộ ra cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn mua thuốc về phun, sau đó “bỏ mặc” vườn cây. Do vậy, đến mùa thu hoạch, năng suất, sản lượng cây trồng rất thấp nên đời sống người dân không được cải thiện nhiều.

Trước thực trạng này, thông qua Đề án giảm nghèo cho 6 bon đặc biệt khó khăn, địa phương triển khai chương trình cải tạo vườn tạp để từng bước thay đổi lối canh tác truyền thống của bà con.

ADQuảng cáo

Theo chị Nguyễn Thị Huế, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức thì đối với chương trình này, đơn vị đã chọn được 24 hộ tại 6 bon để triển khai. Trên cơ sở các hộ dân được UBND xã, trưởng bon lựa chọn, Phòng Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp xuống rà soát, tổng hợp nhu cầu cải tạo vườn tạp cho các hộ dân. Để chương trình mang lại hiệu quả, Phòng Dân tộc phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp-PTNT cử cán bộ xuống trực tiếp các hộ gia đình để hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.  Các kỹ thuật làm bồn, tỉa cành, tạo tán cây cà phê, hồ tiêu, điều, ghép chồi cà phê… được các hộ tiếp thu và từng bước áp dụng vào thực tế của gia đình. Nhờ đó, nhiều diện tích cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt, bước đầu cho năng suất, sản lượng cao.

Chú trọng lồng ghép nhiều nguồn vốn

Ngoài phương án cải tạo vườn tạp, để tạo động lực cho bà con thoát nghèo, Đề án còn chú trọng lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn khác. Trong giai đoạn 2015-2016, Đề án đã đầu tư hơn 27 tỷ đồng cho 6 bon gồm: N'Drong A (Quảng Tâm), Bu Prăng I (Quảng Trực), Ja Lú (Đắk R’tíh), Điêng Đu (Đắk Ngo), Bu Nđơr (Quảng Tâm) và bon Bu Boong (Đắk Búk So).

Theo bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức thì mấu chốt trong công tác xóa đói giảm nghèo tại các bon là phải thay đổi được nhận thức trong lối canh tác, từ đó, giúp bà con áp dụng nhiều phương án sản xuất mới vào thực tế. Xuất phát từ mục tiêu này, ngay từ khi triển khai Đề án, các phòng chuyên môn của huyện đã phối hợp, ưu tiên nguồn vốn, nhân lực thông qua nhiều chương trình như chính sách hỗ trợ sản xuất, tín dụng ưu đãi, đầu tư cơ sở hạ tầng… cho 6 bon đặc biệt khó khăn này. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách xuống cho từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cũng được địa phương chú trọng nhằm huy động nhiều tầng lớp nhân dân tham gia vào thực hiện Đề án. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Bà Phượng cho biết thêm: Thực tế, những năm qua, nguồn vốn đầu tư cho địa phương là không nhiều nên việc bố trí vốn để thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, địa phương chú trọng lồng ghép thêm nhiều nguồn vốn khác nữa để tập trung vào phát triển 6 bon này. Từ nguồn vốn được lồng ghép,  huyện sẽ từng bước “vực dậy” nội lực của từng bon, nội tại trong từng hộ gia đình để làm “điểm tựa” trong phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án giảm nghèo tại 6 bon đặc biệt khó khăn tại Tuy Đức: Động lực giúp người nghèo vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO