Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm thiêng liêng

Thanh Nga| 16/08/2017 09:39

Thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở Lao động,Thương binh - Xã hội, Hội Cựu chiến binh tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai chặt chẽ, toàn diện, kịp thời và đạt những kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Bộ CHQS tỉnh quy tập một ngôi mộ tập thể ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) vào đầu năm 2017. (Ảnh do Bộ CHQS tỉnh cung cấp)

Thượng tá Đặng Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Là một trong những người phụ trách hoạt động tìm kiếm mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, mỗi đợt đi là mỗi lần chúng tôi trăn trở, lo âu, thầm mong tìm được hài cốt các bác, các chú để đưa về an táng đàng hoàng tại nghĩa trang quê hương. Mặc dù số lượng hài cốt liệt sĩ quy tập được còn khiêm tốn, nhưng đó là nỗ lực rất lớn của lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị liên quan".

Trong thời gian tới, công việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Bộ CHQS tỉnh, hiện toàn tỉnh có 3.148 liệt sĩ; trong đó, trên 1.000 liệt sĩ đã được quy tập đưa vào các nghĩa trang trên địa bàn và còn khoảng 2.000 liệt sĩ cần tiếp tục tìm kiếm, quy tập.  Điều kiện để triển khai một đợt cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ là cần phải có thông tin chính xác, trong khi số liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh ta hầu hết đã quá lâu. Các nhân chứng hầu hết tuổi đã cao, trí nhớ suy giảm, phần đông lại sống ở những địa phương khác. Do đó, khi các cựu chiến binh quay lại chiến trường để xác định vị trí, cung cấp thông tin thì không còn nhận ra bởi địa hình đã thay đổi.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN rất khó khăn và đây cũng là một trong những trăn trở đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ quy tập. Do đặc điểm phần nhiều các liệt sĩ hy sinh đã quá lâu, điều kiện chôn cất trong chiến tranh sơ sài. Nhiều trường hợp, hài cốt vùi lấp tạm bợ nên hầu hết không thể lấy được mẫu sinh phẩm đi giám định AND. Nhiều trường hợp lấy được mẫu, nhưng vì lâu ngày đã phân hủy, mục nát nên không đủ tiêu chuẩn giám định AND để xác định liệt sĩ.

Hài cốt một liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông. (Ảnh do Bộ CHQS tỉnh cung cấp)

Là người theo suốt quá trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ thời gian qua, Thượng tá Đặng Văn Tiến cho biết: “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm thiêng liêng của thế hệ hôm nay và mai sau. Thực tế trong chiến tranh, địa bàn tỉnh có khu căn cứ, bệnh viện dã chiến của các đơn vị, nhưng chủ yếu lại tập trung ở vùng núi, khu vực bí mật để bảo đảm an toàn, không có dân cư sinh sống. Hiện nay, địa hình thay đổi, nhân chứng không còn hoặc già yếu nên việc xác định thông tin gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn trên, chúng tôi mong các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, tích cực cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ để việc quy tập thời gian tới mang lại kết quả cao hơn”.

Từ khi triển khai đến nay, lực lượng vũ trang phối hợp với các đơn vị tổ chức trên 50 đợt khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Trong đó, từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị đã tìm được 5 mộ liệt sĩ, nâng tổng số mộ cất bốc từ trong những năm qua được 32 hài cốt liệt sĩ.

Trong tổng số các hài cốt đã cất bốc có 27 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính và bàn giao cho gia đình và ngành chức năng đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh đã quy tập 2  khu mộ tập thể với số lượng trên 100 liệt sĩ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm thiêng liêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO