Tự hào là con cháu Đất Tổ

Mỹ Hằng| 06/04/2017 17:18

Mặc dù vào Đắk Nông lập nghiệp đã lâu, nhưng những người con quê hương Phú Thọ vẫn luôn nhớ về nguồn cội, nỗ lực làm giàu và không ngừng đoàn kết hướng về quê hương.

ADQuảng cáo

Luôn nhớ về nguồn cội

Vào Đắk Nông lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hàng năm là gia đình ông Vũ Mạnh Cường ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại làm mâm cơm dâng lên các Vua Hùng. Trong mâm cúng lúc nào cũng có bánh chưng, bánh dày, bánh trôi nước, hoa quả... được ông sắp đặt một cách trang trọng với tất cả lòng thành kính. Theo như lời ông Cường thì các món ăn này tuy đơn giản, nhưng có nguồn gốc từ Phú Thọ và là vật cúng không thể thiếu trong mâm cơm Giỗ Tổ từ xưa đến nay.

Ông Vũ Mạnh Cường ở tổ 3, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) thường xuyên nhắc nhở con cháu nhớ công ơn của các Vua Hùng

Không những vậy, vào dịp này, ông thường triệu tập tất cả con cháu lại, kể về những ngày gian khó ở quê nhà và những công lao to lớn của các Vua Hùng đối với quê hương, dân tộc Việt Nam.

Ông Cường cho biết: "Việc tưởng nhớ các Vua Hùng xuất phát từ cái tâm của mỗi người và đó là điều tôi luôn trân trọng nhất. Dù đi đâu, làm gì thì những ngày tháng còn ở quê nhà luôn là một ký ức đẹp đẽ nhất mà tôi không thế quên. Việc tổ chức Giỗ Tổ cũng là cách rèn dạy con cháu biết về nguồn gốc của tổ tiên".

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thơm ở phường Nghĩa Tân cũng làm mâm cơm để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Ngoài ra, chị còn đặt hàng các món ăn đặc sản của quê nhà như cá thính, măng muối ớt, cọ õm, quả trám, thịt chua, mắm cáy… cất trong tủ lạnh để ăn dần.

Chị Thơm cho biết: “Quê tôi gốc ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Từ nhỏ lớn lên đều gắn bó với đồng ruộng và những món ăn dân dã đó đã nuôi tôi lớn. Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi và khấm khá hơn nhưng những món ăn đó vẫn luôn nằm trong ký ức. Mỗi khi nhìn vào mâm cơm, tôi như được sống và quay trở về thời thơ ấu”.

Nỗ lực làm giàu

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Lợi từ tỉnh Phú Thọ vào thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) từ năm 1990. Thời gian đầu quả thực rất khó khăn đối với cả gia đình ông. Với số vốn dành dụm mang theo chỉ đủ mua 2 ha đất trống, ông phải vay mượn mua cây giống trồng 1,5 ha cà phê và 0,5 ha hồ tiêu.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, ông tham gia các lớp tập huấn, chuyền giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức và áp dụng vào thực tế gia đình. Để hạn chế sự rủi ro của thị trường, ông còn trồng xen một số loại cây ăn trái và chăn nuôi thêm gà, heo để tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng.

Ông Lợi cho biết: “Có được cơ ngơi như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì còn có sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con anh em hội đồng hương. Cuộc sống dù khó khăn, nhưng truyền thống quê hương Đất Tổ chính là động lực giúp gia đình tôi vượt qua sóng gió của cuộc đời".

Gia đình anh Phùng Văn Bình, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cũng vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và trở thành gương sáng cho bà con noi theo. Từ quê hương Phú Thọ vào Ðắk Nông lập nghiệp, sau bao năm làm lụng vất vả, hiện gia đình anh đã có 3 ha cà phê và còn đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy móc để làm dịch vụ phục vụ sản xuất, có thêm thu nhập. Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay gia đình anh có tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng nhau hướng về quê hương

Điều đáng ghi nhận là sau khi vào Đắk Nông lập nghiệp và ổn định nơi ăn ở, những người con Phú Thọ đã liên lạc cùng nhau thành lập các điểm sinh hoạt hội đồng hương ở các huyện, thị xã như Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút, Krông Nô, Gia Nghĩa…

Mỗi điểm sinh hoạt quy tụ số lượng thành viên lên đến hàng trăm người. Nhờ nỗ lực vươn lên, cùng với sự giúp đỡ, động viên chia sẻ của hội đồng hương, người dân Phú Thọ trên địa bàn tỉnh cơ bản đều có cuộc sống khấm khá, ổn định. Các thành viên thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ, các hội đồng hương góp tiền tổ chức cúng, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mỗi chi hội mà quy mô tổ chức lễ cúng Vua Hùng lớn hay nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Năm nào cũng vậy, tôi cũng như bà con người Phú Thọ đều chờ đến ngày Giỗ Tổ để được gặp bạn bè, anh em cùng quê. Dù không máu mủ, ruột rà, nhưng xa quê tình cảm đồng hương là rất quý. Qua các câu chuyện, thông tin, chúng tôi ai nấy cũng vui mừng vì người Phú Thọ dù ở đâu, làm gì vẫn đứng vững và tự hào là con cháu của Đất Tổ thiêng liêng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào là con cháu Đất Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO