Tự hào từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Hoàng Thanh| 26/04/2019 16:25

Chiến tranh đã lùi xa 44 năm nhưng trong ký ức của những cựu chiến binh từng tham gia giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước thì thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc là mốc son chói lọi không bao giờ quên.

ADQuảng cáo

Cựu chiến binh Lê Đình Nhung ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm nay đã ở vào độ tuổi thất thập, do ảnh hưởng của thương tích trong thời gian tại ngũ nên hiện nay những lúc trái gió, trở trời ông không được khỏe. Tuy vậy, khi tiếp chuyện chúng tôi, ký ức hào hùng về một thời khói lửa nhưng đây tự hào khiến ông hăng say kể chuyện cả giờ mà không thấy mệt.

Cựu chiến binh Lê Đình Nhung luôn trân trọng, gìn giữ những kỷ vật một thời quân ngũ

Quê gốc ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc. Trúng tuyển, ông được biên chế vào Trung đoàn 266, thuộc Sư đoàn 341 (Quân khu 4)-là một trong những sư đoàn trẻ nhất thời bấy giờ của quân đội Việt Nam. Sư đoàn 341, còn có tên gọi khác là Sư đoàn Sông Lam được Bộ Quốc phòng thành lập vào ngày 23/11/1972, là một đơn vị bộ binh cơ động, dự bị chiến lược nên luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng cơ động “tiếp lửa” cho chiến trường miền Nam. Đầu năm 1975, Sư đoàn 341 được lệnh di chuyển vào chiến trường miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Do lúc này địch phải co cụm ở các nơi trọng điểm để đối phó với quân ta, nên đơn vị di chuyển mà không gặp phải sự đánh phá của địch và chỉ cuối tháng 2/1975 đã đến chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến đầu tháng 3/1975, Sư đoàn nhận được lệnh tham gia cánh quân thuộc Quân đoàn 4, giải phóng Sài Gòn từ hướng Đông.

Ông Nhung nhớ lại, nhận được lệnh, đơn vị hành quân, áp sát chiến trường đợi lệnh. Trước giờ khai hỏa, ông và đồng đội mới biết chính xác đơn vị mình là mũi nhọn của chiến dịch giải phóng Xuân Lộc-một cửa ngõ quan trọng trên đường tiến về Sài Gòn. Biết tin đơn vị sẽ tham gia một trận đánh lớn, ông và đồng đội rất háo hức chờ đợi, tinh thần chiến đấu rất cao. Thị xã Xuân Lộc tỉnh Long Khánh (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai hiện nay) là địa bàn án ngữ những trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ số 1, quốc lộ 20, quốc lộ 15 vào nội đô Sài Gòn từ hướng Đông. Vì vậy, nhằm ngăn chặn bước tiến thần tốc của quân ta, địch đã tập trung ở đây một lực lượng kháng cự rất mạnh hòng biến Xuân Lộc thành “cánh cửa thép”.

ADQuảng cáo

Ông Nhung hồi tưởng: “Tôi còn nhớ như in vào lúc 5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, sau khi pháo của ta nhả đạn dồn dập vào Xuân Lộc, bộ binh chúng tôi xung phong. Trung đoàn 266 (Sư đoàn 341) là mũi nhọn trực diện hướng Đông-Đông bắc. Ngoài các công sự, phương tiện, vũ khí có hỏa lực mạnh, địch còn đào hào chống tăng nên bộ binh của ta gặp nhiều bất lợi. Chính vì thế mà chiến sự ở Xuân Lộc - Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt, gây tổn thất lớn cho cả ta và địch. Có thể nói, khi đó ta và địch giằng co nhau từng tấc đất, từng đoạn đường. Để ngăn bộ binh ta, địch điên cuồng chống trả. Rừng cao su nơi đơn vị tôi chiếm giữ bị đạn quật ngã ngang cây, mủ cao su rơi vào người chúng tôi như mưa rào”.

Tuy nhiên, trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, ngày 20/4/1975, địch rút chạy. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng. Ngay sau đó, Trung đoàn 266 tiến vào Sài Gòn theo quốc lộ 1, cùng với đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến chiếm Thủ Đức, Tổng nha cảnh sát, cảng Bạch Đằng, Bộ Tư lệnh hải quân, Tổng cục xã hội, Trường đua Phú Thọ, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo cựu chiến binh Lê Đình Nhung, sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đơn vị ông tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản, truy quét tàn quân ngụy và tham gia công tác dân vận, ổn định cuộc sống cho người dân Sài Gòn. Đến ngày 19/3/1976, do ảnh hưởng của thương tích, ông được ra quân với cấp bậc Trung sĩ. Trong quá trình tham gia quân đội, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Trở về cuộc sống đời thường ông tiếp tục đi học và tham gia công tác tại địa phương. Đến năm 1994, vì hoàn cảnh gia đình, ông chuyển vào huyện Đắk Nông (cũ) công tác tại UBND huyện. Sau khi tỉnh Đắk Nông thành lập ông tham gia công tác tại Ban Tôn giáo tỉnh và đến năm 2012 được nghỉ hưu theo chế độ.

Nhớ lại thời quân ngũ, ông Nhung tâm sự: “Tôi luôn tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ cho chiến thắng chung của cả dân tộc, nhất là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi cảm thấy mình may mắn vì trải qua nhiều trận đánh ác liệt dù có thương tích song vẫn còn có ngày về. Được sống bên người thân, trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc, tôi càng thương nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống trên chiến trường, ngay trước giờ chiến thắng khi tuổi đời còn rất trẻ. Vì vậy, tôi và một số đồng đội hôm nay thường xuyên gặp gỡ nhân các ngày lễ và tích cực tham gia công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh của Sư đoàn 341”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO