Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất

Mỹ Hằng| 03/01/2018 08:40

Nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất (CVĐC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp cán bộ, người dân hiểu rõ để cùng chung tay xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu.

ADQuảng cáo

Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô tập huấn cho cán bộ, người dân xã Thuận An (Đắk Mil) hiểu rõ về di sản địa chất và xây dựng CVĐC toàn cầu

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Ban chuyên trách Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về di sản địa chất và CVĐC, hang động núi lửa, cách bảo vệ, phát huy giá trị di sản đến tận các thôn, buôn, bon, các trường học trên địa bàn tỉnh.

Qua các buổi tập huấn, đội ngũ cán bộ, người dân đã được tiếp cận với các hình ảnh, thực địa, kiến thức về sự hình thành các di sản địa chất đặc trưng trong khu vực CVĐC, các giá trị cần được bảo tồn và phát huy, những tiêu chí để UNESCO công nhận dạnh hiệu CVĐC toàn cầu…Sau khi được tiếp thu các kiến thức, bằng thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất bao đời nay, nhiều người dân đã trao đổi rất nhiều thông tin hết sức thú vị liên quan đến việc đặt tên các hang động, cách thức làm du lịch trong khuôn viên CVĐC…

Trong năm 2017, Ban đã tổ chức được 15 lớp ở các xã thuộc các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Glong, thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia là cán bộ, người dân ở cơ sở.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, tại các trường dân tộc nội trú, các em học sinh rất thích thú trước những kiến thức, thông tin mà Ban quản lý mang lại. Một số bạn trẻ đã thành lập các nhóm, đội tình nguyện tham gia tuyên truyền ở chính địa phương mình. Ở các bon như Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil); Jốc Ju, Ja Rah của xã Nâm Nung (Krông Nô), các em còn tích cực luyện tập đánh cồng chiêng, hát dân ca của người M’nông. Bởi các em đã từng bước hiểu được rằng, giá trị di sản địa chất, CVĐC còn gắn chặt với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân bản địa và là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu...

Qua đó cho thấy, mong muốn được UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu đã trở thành niềm hy vọng, mong muốn chung của đông đảo nhân dân, nhất là các bạn trẻ. Nói về điều này, bạn H’Nhã Trâm ở bon Sar Pa, xã Thuận An vui vẻ: “Qua các thông tin đã tiếp cận tại lớp tập huấn, tôi cũng như các bạn ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc gìn giữ và chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu. Bởi, nếu danh hiệu CVĐC toàn cầu được công nhận thì các di sản văn hóa của người M’nông cũng được gìn giữ, bảo tồn”.

Già Y Khía ở bon Sar Pa cũng cho hay: “Sống cạnh núi lửa Thuận An gần hết đời người nhưng giờ tôi mới hiểu được nguồn gốc, sự hình thành của ngọn núi có ý nghĩa như thế nào đối với việc đánh giá di sản địa chất. Những thông tin mà cán bộ cung cấp thật bổ ích. Danh hiệu CVĐC toàn cầu được công nhận thì có nghĩa là di sản văn hóa của người M’nông cũng được nhiều người biết đến và giữ gìn”.

Theo bà Lê Thị Hồng An, khi các thành viên của UNESCO vào giám định các tiêu chí, họ sẽ đi độc lập để tìm hiểu xem người dân tỉnh Đắk Nông hiểu gì, biết gì về CVĐC, và sẽ có cái nhìn tổng thể, khách quan hơn trong công tác chấm điểm. Vì vậy, ngoài những thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị đang tiếp tục mở rộng phạm vi tuyên truyền ra tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh và tập huấn cho mọi đối tượng. Đặc biệt, đơn vị sẽ tạo điều kiện cho các nhóm, đội đã đăng ký được tiếp cận thêm nhiều kiến thức liên quan đến làm du lịch homestay, tiếng Anh để có thể giao tiếp, giới thiệu với khách quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO