Ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước: Tạo cơ sở thiết lập chính quyền điện tử

Lê Dung| 27/08/2018 10:48

Nhận thức rõ vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) chính là nền tảng để xây dựng nền hành chính công hiện đại và là cơ sở thiết lập chính quyền điện tử, những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực từng bước hoàn thiện hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.

ADQuảng cáo

Cán bộ, công chức huyện Đắk Glong ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xử lý công việc

Theo Sở Thông tin & Truyền thông, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT. Nhờ đó, công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hạ tầng CNTT được đầu tư, mở rộng đã giúp các cơ quan, doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong quá trình trao đổi thông tin, giải quyết công việc. Nguồn nhân lực CNTT cũng đã và đang được tỉnh chú trọng đào tạo, phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra…

Điểm đáng chú ý nhất là về hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đã và đang từng bước được các ngành, các cấp đầu tư, cải thiện. Theo đó, từ năm 2011, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Cùng với hệ thống máy chủ, SAN, Trung tâm được trang bị thêm hệ thống các thiết bị, giám sát an ninh mạng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nguồn điện dự phòng, chống sét. Toàn tỉnh có khoảng 5.768 máy tính; trong đó, cấp tỉnh có khoảng 3.332 máy tính; cấp huyện khoảng 1.056 máy tính và cấp xã khoảng 1.079 máy tính. Như vậy, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng trong công việc trung bình đạt khoảng 97%. Hệ thống thư điện tử của tỉnh hiện có hơn 6.200 hộp thư, bảo đảm 100% cán bộ, công chức các cấp có hộp thư điện tử để giao dịch hành chính trên môi trường mạng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21/21 sở, ngành và 8/8 huyện, thị xã đã có hệ thống mạng LAN và kết nối với đường truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; 49/71 xã, phường, thị trấn triển khai mạng chuyên dùng; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh đến xã đã kết nối Internet… 

ADQuảng cáo

Cùng với đó, việc triển khai ứng dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động các cơ quan nhà nước cũng đã được hoàn thành, với tổng số 1.638 chứng thư số được cấp. Hệ thống Văn phòng điện tử được triển khai tới 100% các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã. Với việc sử dụng ứng dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng, hầu hết các cơ quan nhà nước đã thực hiện trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống Phần mềm Văn phòng điện tử của tỉnh. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh trên phần mềm hoàn toàn dưới dạng điện tử (không dùng văn bản giấy) đạt khoảng 90%.

Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến đa phương tiện của tỉnh cũng đã được kết nối với 8 điểm cầu, vận hành ổn định, phục vụ cho 15 cuộc họp trực tuyến với các đơn vị thuộc tỉnh và Trung ương. Hệ thống “Một cửa điện tử” cũng được mở rộng tới 20 sở, ngành; 8 huyện, thị; 71 xã, phường, thị trấn và Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Hiện tại, hệ thống đang cung cấp 3.206 thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong đó có 1.115 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 2 và thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế Một cửa liên thông; 444 thủ tục hành chính được cung cấp, tiếp nhận và giải quyết qua mạng…

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng hiện nay việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các sở, ngành, địa phương còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ.

Hầu hết các hệ thống mạng LAN tại các đơn vị chưa được đầu tư xây dựng hệ thống bảo mật, an ninh mạng. Chỉ có một số ít đơn vị được trang bị tường lửa (firewall), hệ thống an ninh mạng LAN… Trung tâm Tích hợp dữ liệu sử dụng đã 7 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, dẫn đến tình trạng xuống cấp, sắp hết dung lượng lưu trữ và một số thiết bị bảo mật bị hư hỏng. Một số điểm cầu thuộc hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh đã hư hỏng và xuống cấp, không còn bảo đảm yêu cầu về chất lượng âm thanh, hình ảnh. Tỷ lệ nộp hồ sơ điện tử trên Hệ thống một cửa điện tử còn rất thấp…

Để khắc phục những hạn chế trên, theo Sở Thông tin và Truyền thông, sắp tới, đơn vị sẽ trình UBND tỉnh về Dự án Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đã được phê duyệt trước đó. Cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đơn vị cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tập trung ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước; đồng thời, duy trì và xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô toàn tỉnh, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử. Việc phát triển và hoàn thiện các ứng dụng CNTT, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cơ bản cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước: Tạo cơ sở thiết lập chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO