Vẫn mang nặng tư tưởng “đẻ nhiều con để sau này được nhờ”

Vũ Trang| 10/07/2018 09:52

Kết hôn, mang thai sớm, đẻ nhiều, đẻ dày là tình trạng diễn ra phổ biến ở thôn 2, xã Đắk Som (Đắk Glong). Tư tưởng “đẻ nhiều con để sau này được nhờ” đã khiến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Có bầu thì phải đẻ thôi

Năm nay mới bước qua tuổi 30, nhưng chị Vừ Thị Dạ đã là mẹ của 8 đứa con, đứa lớn nhất 14 tuổi, còn đứa út vừa tròn năm. Vợ chồng chị Dạ đều không biết tiếng phổ thông nên khi nói chuyện, giao tiếp với chúng tôi phải có người phiên dịch.

Nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn chị Vừ Thị Dạ (bên phải) các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ

Qua trao đổi được biết, chị Dạ lấy chồng từ năm 15 tuổi và sinh con đầu lòng một năm sau đó. Vì đẻ dày nên vợ chồng chị không có thời gian làm kinh tế và cũng không có điều kiện chăm sóc con cái tốt. Hiện nay, cuộc sống của gia đình 10 người chỉ dựa vào vài sào ngô và tiền công lao động theo thời vụ ít ỏi của hai vợ chồng. Con cái không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống nghèo túng là vậy, nhưng khi được hỏi có sinh con nữa không, chị Dạ cười nói: “Mình cũng chưa biết nữa, có bầu thì phải đẻ thôi”.

Những gia đình đông con như gia đình chị Dạ không phải là hiếm gặp ở thôn 2 này. Ngay cả những gia đình trẻ, chuyện “kế hoạch” dường như cũng còn xa lạ. Đơn cử như chị Dương Thị Dậu, mới 22 tuổi, nhưng đã lấy chồng hơn 5 năm và hiện có 3 con. Khi hỏi về chuyện “kế hoạch”, chị Dậu cho biết: “Mình còn trẻ, còn phải đẻ thêm nữa. Nhà phải có nhiều con mới vui chứ! Ngày xưa nhà mình cũng đông người mà”.

Chị Giàng Thị Thú, một phụ nữ khác trong thôn cũng cho biết: “Đẻ nhiều sau này già, ốm mới có người nuôi mình chứ”. Khi được hỏi đẻ nhiều lấy gì ăn, nhiều phụ nữ cho biết: “Mình đi làm thuê có tiền mà, với lại nhà có gì ăn nấy thôi”. Vẫn biết, với những cặp vợ chồng nơi đây, việc đẻ nhiều con là chuyện rất bình thường, nhưng nhìn những đứa trẻ áo quần lem luốc đùa nghịch dưới nền đất bẩn, không ai không khỏi chạnh lòng.

ADQuảng cáo

Theo anh Vừa A Sinh, nhân viên y tế-dân số thôn 2, thôn có 196 hộ nhưng phần lớn các cặp vợ chồng ở đây đều có từ 3-5 con, thậm chí có tới 7-8 con. Hầu như năm nào thôn cũng có những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Chính vì đẻ nhiều, đẻ dày mà gia đình nào cũng túng thiếu, con cái không được chăm sóc chu đáo, đầy đủ cả về sức khỏe cũng như học tập.

Khó tuyên truyền, vận động

Theo chị Triệu Thị Lý, chuyên trách dân số xã Đắk Som, hàng năm, công tác tuyên truyền, vận động cũng như cung cấp các dịch vụ KHHGĐ luôn được địa phương quan tâm triển khai thường xuyên, nhất là tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số như thôn 2, nhưng đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Sở dĩ như vậy là do đặc thù của thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại cũng như tư tưởng muốn có nhiều con còn nặng trong suy nghĩ của nhiều cặp vợ chồng, dẫn đến tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Bên cạnh đó, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong những rào cản lớn đối với công tác tuyên truyền.

Hiện tại, hầu hết phụ nữ Mông ở thôn 2 đều không biết tiếng phổ thông, những người biết thì cũng chỉ nghe hiểu bập bõm. Vì thế, mỗi lần sinh hoạt hội phụ nữ hay tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, chị em đến tham gia khá đầy đủ nhưng hiệu quả không cao. Có một thực tế nữa là nhiều chị em đã nghe lời vận động của cộng tác viên sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, uống thuốc… nhưng vẫn có thai dẫn đến mất niềm tin vào các dịch vụ KHHGĐ.

Theo lý giải của chị Lý, nguyên nhân không phải tại chất lượng dịch vụ mà chủ yếu là do người sử dụng các biện pháp tránh thai. Mặc dù được cộng tác viên dân số hướng dẫn rất kỹ cách sử dụng nhưng do tập quán sinh hoạt, nhiều chị em đặt vòng tránh thai vẫn thường xuyên mang vác vật nặng, hoặc uống thuốc tránh thai thì ngày nhớ ngày quên… nên không có tác dụng.

Cũng theo chị Lý, những khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ ở thôn 2 cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa bàn dân cư ở xã Đắk Som. Hiện nay, ngành dân số địa phương đang tiếp tục tìm hiểu, triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, từ đó thực hiện tốt mục tiêu giảm sinh, ổn định quy mô dân số, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Để làm được điều đó, cùng với chọn lựa cách thức tuyên truyền phù hợp, triển khai tốt công tác vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ, các cấp, các ngành, đoàn thể cần cùng vào cuộc, thường xuyên tuyên truyền, đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn mang nặng tư tưởng “đẻ nhiều con để sau này được nhờ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO