Vào đại học là ước mơ nhưng không phải là tất cả

Vũ Hà| 11/05/2018 09:28

Xã hội mà chúng ta đang sống rất coi trọng bằng cấp, buộc mỗi người cứ phải đua chen nhau vào đại học. Đối với nhiều bạn trẻ, đại học là tất cả cuộc sống, tương lai của mình nên họ cố vào đại học bằng mọi giá. Không ít phụ huynh học sinh cũng cho rằng, để bảo đảm tương lai tốt nhất cho con em mình, con đường duy nhất là phải vào đại học.

ADQuảng cáo

Học viên học nghề điện-điện tử tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Ảnh: Thanh Nga

Hàng năm, khi hoa phượng đỏ tháng năm báo hiệu mùa thi cử là lúc áp lực, căng thẳng đối với học sinh cuối cấp phổ thông. Không chỉ các sĩ tử lo lắng đến mất ăn, mất ngủ mà các bậc phụ huynh cũng không khỏi bồn chồn, ngày đêm mong ngóng. Do áp lực quá lớn, một số em không biết cách chia sẻ đã dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột… Có em, vì cái danh đại học mà chấp nhận vào trường đại học với điểm chuẩn thấp đến mức không ngờ…

Trong khi đó, công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được chú trọng và thực hiện tốt. Phần lớn các trường học chỉ tập trung định hướng cho các em vào khoảng thời gian thi tốt nghiệp phổ thông một cách sơ sài. Trong khi đó, các em chưa có đầy đủ nguồn thông tin về ngành nghề và trường mà mình theo đuổi nên mới có chuyện “nhầm lẫn”. Từ đó mới có chuyện, nhiều em sau khi đỗ đại học hay vào đại học được một thời gian mới biết mình đã chọn sai ngành nghề.

Vì đào tạo quá nhiều trong khi nhu cầu tuyển dụng ít nên sinh viên ra trường phải đối diện với cảnh thất nghiệp. Cái giá phải trả cho trào lưu “phổ cập đại học” và hư danh bằng cấp, không chỉ là cảnh báo mà đã nhìn thấy ở những cảnh đời, những số phận, những cử nhân phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân... Cả những chuyện cười ra nước mắt khi có khu công nghiệp đã từ chối không tuyển cử nhân, kỹ sư. Trong khi tấm bằng ấy với nhiều em ở nông thôn là nỗi cực nhọc của cha, mồ hôi của mẹ dành dụm, tằn tiện để dành cho con ăn học.

ADQuảng cáo

Khi tấm bằng đại học trở nên vô giá trị, nhiều bạn vẫn cố "ngậm bồ hòn làm ngọt", bám trụ ở thành phố lớn, vật lộn làm những công việc không tên để kiếm sống hàng ngày. Thế nên, hiện trạng rất nhiều cử nhân, thạc sỹ sau khi ra trường không xin được việc làm và buộc phải làm những công việc trái với ngành nghề mà mình đã học. Không ít sinh viên thất vọng, chán chường bởi đã lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc theo đuổi ước mơ đại học để rồi lại bắt đầu từ vạch xuất phát.

Tấm bằng đại học không phải là tất cả, nhất là khi mà xã hội đang phải đối mặt với tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Nếu tất cả học sinh đều tốt nghiệp đại học rồi làm "thầy" thì lấy đâu ra “thợ” để phát triển các lĩnh vực công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Khoa bảng chỉ đem lại vinh hoa với những ai mà sự lựa chọn ấy phù hợp với năng lực, trí tuệ riêng và với xu hướng ngành nghề chung của xã hội. Nếu vào đại học bằng mọi giá và bất cứ trường nào, bất kể ngành nghề đó không phù hợp với năng lực, sở trường của mình thì sẽ dẫn đến bi kịch.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nghề cho thế hệ trẻ để khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Một khi thi trượt đại học, các em vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng những phương án khác, như học trường dân lập, đi du học, học nghề chuyên nghiệp ở cơ sở chất lượng cao, nơi mà thời gian đào tạo ngắn nhưng có cơ hội làm việc cao hơn… Điều quan trọng nữa là, các em hãy tìm cho mình một nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, nhu cầu và điều kiện xã hội.

Cuộc đời luôn mở rộng cánh cửa cho tất cả những ai có ý chí và nghị lực vươn lên. Có thể, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ngoài lựa chọn thi vào đại học, hay học các trường nghề, bạn trẻ có thể lao động trực tiếp, buôn bán kinh doanh... cũng có thể thành công. Điều quan trọng là, trong mỗi công việc chúng ta phải tâm huyết, nỗ lực vì nó, không nên dựa dẫm vào cha mẹ hay bất kỳ ai, có như vậy mới bền vững. Thực tế quanh ta có nhiều người đã trưởng thành, đạt nhiều thành tựu trong nghề nghiệp, cuộc sống mà chưa từng trải qua đại học.

Đại học với các em học sinh vẫn là ước mơ nhưng không phải là tất cả và xét cho cùng đó chỉ là một trong vô số các lựa chọn mà thôi. Vả lại, nhiều người không học đại học nhưng họ vẫn phải luôn học hỏi từ sách vở, đồng nghiệp, những người đi trước, từ thực tế và từ những trải nghiệm của bản thân để dẫn đến thành công. Xã hội học tập luôn mở ra rất nhiều cơ hội học tập dưới nhiều hình thức, không hạn chế hay phân biệt tuổi tác, nếu có chí mỗi người đều có thể học tập suốt đời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào đại học là ước mơ nhưng không phải là tất cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO