Về “một nhà”, công tác dân số có nhiều thuận lợi hơn

Vũ Trang| 11/06/2019 09:22

Cuối năm 2018, ngành Y tế hoàn thành việc sáp nhập các Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện vào Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đa chức năng. Đến nay, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định, song về cơ bản, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, ổn định, có nhiều thuận lợi hơn.

ADQuảng cáo

Thuận lợi hơn trong thực hiện các chỉ tiêu khó

Theo đánh giá của ngành Y tế, ưu điểm của việc sáp nhập không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn là tạo được sự thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo công tác y tế dự phòng nói chung, công tác DS-KHHGĐ nói riêng tại tuyến cơ sở.

Cụ thể, trước đây, cùng một nhiệm vụ có thể liên quan đến 2 đơn vị, nên khi triển khai xuống cơ sở bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực, đôi khi chỉ đạo không thống nhất. Cùng với đó, sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng cường, trang thiết bị tập trung ở một nơi, tạo thuận lợi để triển khai nhiệm vụ chuyên môn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu khó như đình sản, sàng lọc trước sinh, sơ sinh…

Việc thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh của ngành dân số thuận lợi hơn sau khi sáp nhập

Theo ông Huỳnh Văn Triều, Trưởng Phòng DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), trước đây, để hoàn thành một số chỉ tiêu về DS-KHHGĐ cần phải có sự tham gia tích cực của nhân viên y tế cũng như các cơ sở y tế trên địa bàn. Nếu như ngành dân số “đơn thương độc mã” thì khó có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Ví dụ như thực hiện một ca đình sản, việc tư vấn, vận động người dân chấp nhận thực hiện đã khó. Không những vậy, một khi người dân đồng ý, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện còn phải phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện để sắp xếp thời gian thực hiện. Không chỉ việc đình sản mà vấn đề sàng lọc trước sinh, sơ sinh cũng phụ thuộc rất nhiều vào các cơ sở y tế. Đến nay, sau khi sáp nhập về “một nhà”, việc thực hiện các chỉ tiêu trở thành nhiệm vụ chung của TTYT đa chức năng, nên thuận lợi hơn vì có sự vào cuộc quyết liệt.

ADQuảng cáo

Tạo vị thế cho công tác DS-KHHGĐ

Những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tuy nhiên, để công tác dân số tiếp tục được duy trì, đạt hiệu quả cao sau khi sáp nhập, đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW về “Công tác dân số trong tình hình mới” đang là vấn đề được ngành Y tế hết sức quan tâm. Vì vậy, ngành Y tế xác định phải tạo được vị thế của công tác DS-KHHGĐ trong bộ máy tổ chức của TTYT huyện đa chức năng.

Theo Sở Y tế, hiện nay, hầu hết các đơn vị dân số sau sáp nhập vào TTYT huyện đã đi vào ổn định nhưng hiệu quả hoạt động cần có thời gian dài để đánh giá. Bởi, khác với y tế, công tác dân số khá đặc thù và mang tính cộng đồng xã hội, đòi hỏi sự cộng hưởng thường xuyên, lâu dài. Việc triển khai một chương trình, hoạt động liên quan đến dân số nhiều năm mới đánh giá được hiệu quả.

Trước mắt, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân không xem nhẹ và thỏa mãn công tác DS-KHHGĐ hiện tại. Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ dân số từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục được tăng cường nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Ngoài ra, ngành sẽ chú trọng mở rộng, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ điều trị, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết:

“Trong điều kiện kinh phí cho hoạt động dân số ngày càng bị cắt giảm thì việc sáp nhập sẽ góp phần giải quyết những khó khăn này. Đặc biệt, với một tỉnh cần đẩy mạnh giảm sinh như Đắk Nông, việc sáp nhập được đánh giá tốt hơn là để dân số hoạt động riêng lẻ. Cụ thể, công tác y tế, dân số sẽ hỗ trợ nhau trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong, tăng tuổi thọ cũng như thực hiện tốt các chương trình, biện pháp nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về “một nhà”, công tác dân số có nhiều thuận lợi hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO