Vẹn nguyên ký ức Điện Biên

Hoàng Thanh| 07/05/2019 08:51

Cách đây 65 năm, ông Trần Hữu Thái, ở tổ dân phố 6, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp sức làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ nhưng hết sức oai hùng đó đã in đậm trong ký ức của người lính Cụ Hồ, với niềm kiêu hãnh, tự hào.

ADQuảng cáo

Mong chờ đến giờ G.

Ông Trần Hữu Thái (SN 1933), năm nay đã 86 tuổi song vẫn còn minh mẫn. Lục lại ký ức cũ, ông kể liền một mạch như một cuốn phim về cuộc đời mình.

Ông Thái hóm hỉnh: “Tôi quê ở “làng Vũ Đại”, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một vùng quê nghèo khó của vùng đồng bằng Bắc bộ. Bị thực dân Pháp chiếm đóng nên cuộc sống người dân vô cùng khốn khổ. Căm thù giặc nên mới 17 tuổi tôi đã bỏ nhà lên chiến khu Việt Bắc theo cách mạng. Đến đầu năm 1953, tôi được vào bộ đội, chính thức trở thành “Bộ đội Cụ Hồ, thuộc Đại đội 113, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 675, Sư đoàn 351. Đây cũng là đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta.”

Ông Trần Hữu Thái vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật một thời tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo lời ông Thái kể, đến cuối năm 1953, đơn vị ông nhận được lệnh di chuyển lên Tây Bắc để tham gia một chiến dịch lớn. Từ chiến khu Việt Bắc đơn vị của ông băng rừng, lội suối, vượt đèo lên Tây Bắc. Lúc bấy giờ việc hành quân rất gian khổ. Ông thuộc đơn vị pháo cối, mỗi khẩu nặng tới gần 3 tạ, khẩu đội 12 người chia thành 3 nhóm để khiêng. Trong quá trình hành quân, trời mưa, đường núi trơn, nhiều lúc khẩu pháo có nguy cơ rơi xuống vực nhưng anh em đều gắng hết sức mình để giữ. Sau nhiều ngày hành quân gian khổ, đơn vị ông cũng tới điểm tập kết. Sau này ông mới biết, đơn vị ông là một trong những đơn vị có mặt sớm nhất tại Điện Biên Phủ. Do hậu cần chưa kịp tiếp tế nên thời gian đầu chiến dịch, đơn vị ông phải dựa vào dân mới có lương thực, lắm lúc phải tự xay lúa, giã gạo.

Khó khăn, thiếu thốn về vật chất, bộ đội ta đều chịu đựng được nhưng khổ nhất là việc đợi chờ bao giờ đến giờ G, vì ai cũng nóng lòng để được đánh địch. Sau một thời gian chờ đợi khá lâu, đơn vị ông được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Quán triệt chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”, mỗi chiến sĩ được lệnh mang theo lương thực đủ dùng trong 3 ngày để đánh địch.

Một ngày giáp Tết Nguyên đán năm 1954, đơn vị ông cùng nhiều đơn vị pháo 105 ly áp sát căn cứ Điện Biên Phủ của địch. 3 giờ chiều hôm ấy, sau khi pháo 105 ly nã đạn dồn dập, khoảng 15 phút sau thì các khẩu đội pháo cối cũng thi nhau nã đạn vào cứ điểm địch. Do các đơn vị pháo của ta đặt tại những nơi trống trải nên bị địch phản pháo gây nhiều thiệt hại. Đến 11 giờ tối hôm ấy, đơn vị ông được lệnh rút ra nơi đóng quân, tập kết ban đầu.

ADQuảng cáo

Ông Thái kể, nhận được lệnh lui quân, tư tưởng chiến sĩ rất hoang mang, không hiểu tại sao. Tuy nhiên, ngay sau đó chính trị viên đại đội cho biết, để bảo đảm chắc thắng và bớt tổn thất xương máu chiến sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh chiến dịch đã thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh lâu dài “đánh chắc, thắng chắc”. Sau khi rút ra, đơn vị ông được lệnh đào hầm trú ẩn và ngụy trang vũ khí, rồi phối hợp với một sư đoàn bộ binh đánh địch tiếp viện sang tận đất Lào đến cuối tháng 2/1954 mới quay về Điện Biên Phủ.

Sung sướng đến trào nước mắt

Đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức diễn ra vào ngày 13/3/1954, đơn vị pháo cối của ông Thái tham gia đánh ngay trận đầu, phối hợp nhịp nhàng với pháo hạng nặng khiến cho địch rất bất ngờ, phá hủy nhiều công sự, vũ khí, khí tài của địch, giúp cho bộ binh tiếp cận trận địa tiêu diệt và chiếm giữ từng cứ điểm địch. Trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, đơn vị ông đã nã hàng ngàn quả đạn cối vào các cứ điểm, khiến địch khiếp sợ.

Quá trình chiến đấu, ông nhớ nhất là trong ngày 30/3, khi quân ta tiến hành đợt 2 của chiến dịch, trong lúc nạp đạn, một quả đạn bị tịt ngòi nổ, đạn không bắn ra khỏi nòng, ông phát hiện kịp thời nếu nạp tiếp, quả đạn còn lại trong nòng sẽ nổ và khi đó cả tiểu đội sẽ thương vong hết. Trước uy lực của pháo binh ta, pháo binh của địch hoàn toàn bị khống chế.

Ông Thái nhớ lại: “Sau khi ta chiếm được sân bay Mường Thanh, làm chủ chiến trường, địch chỉ còn trông đợi tiếp tế bằng cách duy nhất là thả dù. Tuy nhiên, do vòng vây ngày càng siết chặt nên phần lớn đạn dược, lương thực mà địch tiếp tế đều rơi vào phía quân ta. Đến chiều 7/5/1954, khi đang ở ngoài cụm cứ điểm trung tâm, chúng tôi nghe tiếng quân ta reo hò, cờ bay phất phới trên nóc hầm tướng Đờ Cát, anh em trong khẩu đội sung sướng ôm chầm lấy nhau trào nước mắt”.

Sau ngày toàn thắng, đơn vị ông tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Trong ngày vui, ông và đồng đội được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ trao tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”. Đến năm 1956, ông được phục viên, trở về địa phương. Trở về quê nhà lập gia đình, song  ông lại xung phong đi xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà trong 6 năm. Sau đó ông về công tác tại UBND huyện Lý Nhân (Hà Nam), sau chuyển về Sở Giao thông Hà Nam Ninh. Đến năm 1982, ông được về nghỉ hưu theo chế độ và năm 1987 đưa gia đình vào huyện Ea Kar (Đắk Lắk) sinh sống, lập nghiệp. Năm 2004, khi tỉnh Đắk Nông được thành lập, ông chuyển xuống sinh sống tại tổ dân phố 6, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho tới bây giờ.

Trong câu chuyện của mình, ông tâm sự, thấy mình rất may mắn, bởi trải qua 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt mà vẫn còn nguyên vẹn, nhiều đồng đội đã nằm xuống trên chiến trường. Khẩu đội pháo cối của ông sau chiến dịch cũng đã mất gần một nửa. Sau này, do hoàn cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông không có điều kiện đi thăm đồng đội và chiến trường xưa. Mãi tới năm 2014, vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, ông mới được Bộ Quốc phòng tạo điều kiện về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là lần về thăm lại chiến trường xưa để lại cho ông nhiều ấn tượng và thỏa ước nguyện vì đã có dịp thắp vài nén nhang cho đồng đội.

Hiện nay, trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông dành một góc để cất giữ những kỷ vậy một thời quân ngũ gồm nhiều giấy tờ, ảnh tư liệu và huy hiệu, huân chương… để luôn nhớ về một thời chiến đấu oai hùng, với những ký ức không bao giờ phai mờ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên ký ức Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO