Vun đắp tinh thần, tình yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn

Bài, ảnh: Mỹ Hằng| 11/02/2019 10:38

Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp hơn. Do đó, ngay sau thời khắc giao thừa, nhiều người dân thường đi lễ chùa, xin chữ để cầu mong tài lộc, sức khỏe và may mắn trong năm mới.

ADQuảng cáo

Người dân đi lễ chùa, cầu một năm bình an cho gia đình và người thân

Ngay từ sáng sớm mồng Một, rất nhiều người dân, gia đình đã đến chùa Pháp Hoa (Gia Nghĩa) để lễ Phật và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Chị Lê Thị Huyền, ở phường Nghĩa Tân chia sẻ: “Sau khi xem pháo hoa xong, tôi cùng chồng đến chùa lễ Phật để cầu cho gia đạo bình an, mạnh khỏe, mọi việc hanh thông”.

Bà Mai Thị Hà, ở phường Nghĩa Thành cũng phấn khởi: “Là phật tử của chùa Pháp Hoa, nên hàng năm, sau khi cúng giao thừa tại nhà, tôi đến chùa đọc kinh, cầu an và thỉnh lộc cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc, gia đạo bình an. Trong những ngày tết, tôi và gia đình còn tham quan, vãn cảnh chùa ở những nơi xa. Đây không chỉ là dịp để chiêm bái, nguyện cầu một năm thành công, thuận lợi mà còn cơ hội để cả nhà quây quần, du xuân cùng nhau”.

Xin chữ đầu năm thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, hoạt động xin chữ và cho chữ đầu năm tại chùa Pháp Hoa cũng rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Để đáp ứng nhu cầu của phật tử và người dân, năm nào chùa Pháp Hoa cũng dành riêng một góc sân cho những bậc cao niên thể hiện khả năng viết thư pháp. Với mực tàu, giấy đỏ, các "ông đồ" mặc áo dài đen đội khăn đóng được nhiều người đến xin chữ. Chữ được viết theo tâm nguyện của người xin, bày tỏ mong muốn về tài lộc, sức khỏe, công danh...

Theo các "ông đồ", người viết thư pháp không chỉ cần nét chữ đẹp mà phải hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng chữ mình viết ra cũng như tâm nguyện của người xin chữ. Thông thường, thanh niên, học sinh thường xin các chữ Minh, Trí, Tuệ, Đạt… để tự nhắc nhở bản thân thu nạp kiến thức, cầu thi cử đỗ đạt. Người trung niên hay chọn các chữ An, Phúc, Đức, Tâm… mong một năm mới bình an, gia đình hòa thuận… "Ông đồ" Trương Văn Thi cho biết: “Năm nào tôi cũng tham gia hoạt động cho chữ đầu năm tại chùa Pháp Hoa và thật sự rất vui. Mỗi bức thư pháp chẳng bao nhiêu tiền nhưng là niềm tin, là đạo nghĩa và chúng tôi vui khi mang niềm vui đến với mọi người yêu thư pháp”.

Bà Trần Thị Hoa ở phường Nghĩa Tân cho biết: “Là dân kinh doanh nên năm nào tôi cũng xin chữ “Lộc” về treo trong nhà. Mỗi chữ đều có một ý nghĩa riêng biệt và tôi đi xin chữ đầu năm để cầu may mắn, thuận lợi cho việc kinh doanh của gia đình. Theo tôi đây là một nét đẹp văn hóa rất hay và ý nghĩa cần được gìn giữ và phát huy”.

Em Nguyễn Phạm Thùy Chi ở phường Nghĩa Thành cho hay: “Năm nào em cũng đi xin chữ và thấy rất thú vị, vì ngoài nét đẹp giản dị còn mang ý nghĩa sâu xa. Năm nay, em xin chữ "Tài" vì chuẩn bị tốt nghiệp và đi làm, hy vọng sẽ mang lại may mắn cho bản thân”.

Theo Đại đức Thích Quảng Hiền, Trụ trì chùa Pháp Hoa, ngày tết chính là ngày đầu năm để bà con theo đạo Phật nói riêng và người dân nói chung đến chùa lễ bái, cầu an, phúc lành cho nhau, đồng thời cầu cho quốc thái dân an, gia đình bình an, gặp nhiều may mắn. Phong tục đi lễ chùa đầu năm và xin chữ thư pháp không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị thuộc về cội nguồn. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt, mà còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới cái thiện và những giá trị tốt đẹp hơn của cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vun đắp tinh thần, tình yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO