Xác định nguyên nhân sụt lún ở Khu công nghiệp Nhân Cơ

Ngàn Sâu| 08/01/2021 08:57

Xác định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân các sự cố sụt lún tại Dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ chủ yếu là do thi công không đúng thiết kế. UBND tỉnh yêu cầu xác định thêm từ khâu khảo sát, thiết kế để khẳng định nguyên nhân...

ADQuảng cáo

Dự án Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài Khu công nghiệp Nhân cơ (gọi tắt Dự án KCN Nhân Cơ) có tổng kinh phí đầu tư 993 tỷ đồng (trong đó 875 tỷ đồng ngân sách Trung ương, còn lại ngân sách địa phương).

Khu công nghiệp Nhân cơ đã 5 lần xảy ra sụt trượt, tổng thiệt hại khoảng 75 tỷ đồng

Thời gian qua, nhiều hạng mục tại Dự án liên tục xảy ra tình trạng sụt lún, hư hỏng nặng như đường giao thông, bờ kè, hàng rào, mái taluy… Đến nay, quy mô sụt lún, sạt trượt tại Dự án vào khoảng hơn 10 ha.

Khu vực xảy ra sụt lún chủ yếu nằm trong gói thầu xây lắp số 2 (XL2) của Dự án. Đây là gói thầu san lấp và gia cố mái taluy nhà máy luyện nhôm, có tổng mức đầu tư trên 340 tỷ đồng. Trước khi xảy ra sụt lún, gói thầu này đã hoàn thành được khoảng 90% khối lượng.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông dân dụng - công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư), Dự án đã 5 lần xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt nghiêm trọng, trong đó năm 2020 xảy ra 3 lần. Tổng giá trị thiệt hại do các sự cố ước tính vào khoảng 75 tỷ đồng.

Quy mô sụt trượt tại dự án vào khoảng 10ha

Về nguyên nhân các sự cố vẫn đang được cơ quan chức năng, nhà khoa học tiến hành xác minh. Thế nhưng, kết quả xác minh ban đầu của Sở Xây dựng cho thấy, nguyên nhân các sự cố chủ yếu do quá trình thi công và giám sát thi công.

Theo Báo cáo số 737/BC-SXD của Sở Xây dựng, đơn vị thi công đã không làm theo thiết kế tại phần móng mái taluy. Cụ thể, tại các vị trí cọc từ 331-337 (dài 60m) thiết kế được phê duyệt thể hiện phải nạo vét bùn với chiều sâu 4,10m và rộng từ 20,08-63,90m.

Tuy nhiên, trong nhật ký công trình của đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Tập đoàn Cường Thịnh Thi), không thể hiện phần nạo vét bùn khi lắp đặt các cọc, đắp đất taluy âm. Đơn vị thi công chỉ đánh cấp taluy âm và đắp đất ở độ dốc lớn.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân các sự cố là do thi công không đúng thiết kế

ADQuảng cáo

Đơn vị thi công cũng không có giải pháp quản lý chất lượng và các chỉ tiêu cơ lý đối với khối lượng đất dự trữ trước khi đắp vào taluy âm. Từ đó, khi đắp vào taluy âm đã tạo ra những lớp đất không đồng nhất về độ chặt, đất có lẫn lộn với nhiều đá mồ côi, tạp chất.

Kích thước các cấu kiện bê tông cốt thép gia cố mái đổ tại chỗ; khoảng cách và vị trí bố trí bê tông cốt thép đều chưa bảo đảm theo thiết kế. Phương án thi công cửa xả chưa hợp lý, không có sự liên kết giữa phần thi công trước và phần thi công sau.

Kết quả khoan địa chất tại các vị trí sụt trượt cho thấy, phía dưới chân móng ta luy âm đều có lớp đất yếu. Đây là nguyên nhân của việc quá trình thi công chưa nạo vét lớp đất yếu theo hồ sơ kỹ thuật thi công được phê duyệt... Về trách nhiệm, Sở Xây dựng khẳng định, chủ yếu là do chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Hồ sơ quản lý chất lượng và nhật ký thi công chưa nêu chi tiết công việc thực hiện được, còn nhiều chỗ chung chung. Chủ đầu tư không thực hiện nghiệm thu phần thi công nạo vét bùn...

UBND tỉnh chỉ đạo xem xét kỹ có hay không nguyên nhân các sự cố là do khâu khảo sát, thiết kế dự án

Trong báo cáo 737, Sở Xây dựng không nhắc đến trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế. Thế nhưng, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, khâu khảo sát, thiết kế ít nhiều có ảnh hưởng, tác động đến các sự cố sụt trượt tại Dự án.

Theo phân tích của anh V.D.N, Giám đốc một công ty hoạt động tư vấn, thiết kế thi công xây dựng ở Gia Nghĩa, với thực tế các hạng mục xây dựng và địa chất bất lợi tại khu vực Dự án, đơn vị khảo sát, thiết kế đã chưa tính toán hết các biện pháp kỹ thuật.

Khu vực xảy ra sạt trượt trong Dự án có nền đất rất yếu. Thế nhưng, đơn vị khảo sát, thiết kế vẫn cho xây dựng bờ kè cao hàng chục mét thì rất khó chịu lực.

Mặt khác, tại các vị trí đất yếu, nếu chỉ dùng phương án nạo vét bùn rồi lắp đặt cọc bê tông là không ổn. "Vùng có bùn thường có mạch nước ngầm. Phải xử lý được nước ngầm và không để tái bùn mới chịu lực ổn định, không bị sụt lún", ông N phân tích.

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt (Đà Nẵng) là đơn vị khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công Dự án. Hồ sơ thiết kế được hoàn chỉnh vào tháng 12/2015, do Sở Xây dựng Đắk Nông chủ trì thẩm định.

Thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đều đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và chỉ đạo khẩn trương tìm nguyên nhân các sự cố tại Dự án. UBND tỉnh đã  có Văn bản số 2385/UBND-KTN chỉ đạo khẩn trương làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị có liên quan. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu "xem xét kỹ để xác định rõ có hay không nguyên nhân từ việc khảo sát, thiết kế".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định nguyên nhân sụt lún ở Khu công nghiệp Nhân Cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO