Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác! (kỳ 3): Giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều bất cập

Ngọc Dũng| 16/06/2020 09:55

Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn của toàn xã hội. Hậu quả mà các em phải gánh chịu là những tổn thương về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại tương lai các em. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản trong trường học hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

ADQuảng cáo

Cần an toàn ngay trong trường học

Một thực tế cho thấy, phần lớn các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em những năm qua chủ yếu rơi vào những em lứa tuổi đang học bậc tiểu học, THCS, thậm chí cả mầm non. Một phần các em bị đe dọa nhưng phần lớn cũng do nhiều em đã bị xâm hại mà không biết được mức độ nguy hiểm đến bản thân.

Việc tăng cường thời lượng về giáo dục giới tính trong trường học là cần thiết

Nhắc đến vụ việc hàng loạt nữ sinh bị xâm hại tình dục tại một trường tiểu học ở huyện Cư Jút vào tháng 5/2017 có lẽ chưa ai quên được. Điều đáng nói, thủ phạm xâm hại tình dục lại chính là nhân viên bảo vệ của trường- Lang Thanh Duẩn (SN 1959). Hiện trường thường xuyên gây án của "yêu râu xanh" này chính là nhà vệ sinh, nằm ngay trong khuôn viên trường.

Dư luận vẫn luôn đặt câu hỏi, tại sao sự việc nghiêm trọng như vậy diễn ra ngay trong trường học nhưng mãi thời gian dài và có đến 6 học sinh trở thành nạn nhân thì hành vi xâm hại tình dục mới bị phát hiện. Những em bị xâm hại đã không dám mạnh dạn báo sự việc với bố mẹ, người thân hay thầy cô giáo.

Điều đáng nói nữa là sau khi học sinh phát hiện, giáo viên thông báo nhà trường và phụ huynh nhưng mãi nhiều ngày sau đối tượng mới bị bắt để xử lý. Mức án 25 năm tù dành cho đối tượng gây án cũng không thể nào vơi bớt ám ảnh đối với 6 trẻ gái ngây thơ.

Chỉ kiến thức từ sách vở là chưa đủ

Cô Nguyễn Thị Chiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết: "Trường có đông học sinh là con em dân tộc thiểu số, nhiều em không học đúng tuổi nên việc học sinh lớp 3, lớp 4 dậy thì là chuyện... bình thường. Dù nhà trường, giáo viên đã có sự lồng ghép tuyên truyền cho các em nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Để bảo vệ các trẻ em gái, việc giáo dục giới tính phải đẩy mạnh hơn nữa và cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành liên quan”.

(Clip) Bà Nguyễn Thị Chiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đk Nông:

ADQuảng cáo

Tương tự, thầy Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng ở xã Nâm N’đir (Krông Nô) cũng cho rằng: “Chỉ có những kiến thức trong sách vở thì chưa đủ, vì hiện nay nhiều học sinh bậc tiểu học đã phát triển thể chất. Việc tuyên truyền cho các em chủ yếu vẫn là lồng ghép, tích hợp nhưng thời lượng ít nên hiệu quả chưa là bao. Các em dù được tiếp cận kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản nhưng không sâu”.

Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Glong giải thích, nguyên nhân một phần của tình trạng giáo dục giới tính trong trường học như “muối bỏ bể” là do thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên môn, chuyên gia tâm lý…

Mới đây, Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa đã mời chuyên gia nói chuyện về giáo dục kỹ năng, sức khỏe sinh sản và giới tính

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cũng cho rằng, hiện nay mặc dù các nhà trường có tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, việc bố trí thêm tiết học cụ thể giống những môn học khác để giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh ở các bậc học là rất cần thiết. Trong công tác tuyên truyền hiện nay cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các đơn vị liên quan. Đối với các bậc học nhỏ như mầm non, tiểu học, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ giáo dục học sinh có những kỹ năng, nhận thức cần thiết để bảo vệ mình và yêu cầu can thiệp.

(Clip) Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông:

Qua các buổi nói chuyện chuyên đề cho thấy, học sinh còn thiếu kiến thức về các vấn đề liên quan đến kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Các em còn e ngại khi chia sẻ những vấn đề trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Xu hướng thường thấy trong việc tìm hiểu, thỏa mãn những tò mò về sức khỏe sinh sản, giới tính của học sinh hiện nay là tìm đến Internet. Nhưng điều đáng lo ngại là nhiều thông tin lại chưa được kiểm duyệt, định hướng đúng hay thậm chí mang nội dung bạo lực, kích động, khiêu dâm…

Tuyên truyền chưa đến nơi

Thực tế lâu nay, việc giáo dục giới tính ở trường học chủ yếu là lồng ghép tuyên truyền hoặc tích hợp với một số môn học. Hình thức tổ chức nói chuyện chuyên đề có thực hiện nhưng số lượng không thấm vào đâu so với số trường học trên địa bàn và chủ yếu vẫn ưu tiên các trường THPT.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, toàn xã hội phải quan tâm trẻ em vì các em luôn là đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Hiện nay, thông tin phát triển mạnh mẽ, nên có thể thống kê được số liệu các vụ việc nhưng thực tế đó chưa phản ánh hết được "tảng băng chìm" vì vẫn còn đâu đó trẻ em bị xâm hại. Vì vậy, việc giáo dục giới tính, tuyên truyền cho các em không chỉ trong nhà trường mà còn ở ngoài xã hội, với phương châm "phòng là chính, chống là phụ". Tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương phải thật sự vào cuộc phòng, chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

>> Kỳ 4: Phải chung tay, góp sức bảo vệ trẻ em

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác! (kỳ 3): Giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO