Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác! (kỳ 4): Phải chung tay, góp sức bảo vệ trẻ em

Ngọc Dũng| 17/06/2020 10:09

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em luôn là thông điệp mang tính nhân văn cao cả. Vì vậy, cùng với quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, mỗi người, mỗi nhà cần phải mạnh dạn lên tiếng, tố giác những hành vi đồi bại, xâm hại trẻ em, loại trừ những kẻ mất hết nhân tính ra khỏi cộng đồng, giúp trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh.

ADQuảng cáo

Chống xuống cấp đạo đức và tăng  cường sức răn đe

Thực tế hiện nay cho thấy, trong những môi trường an toàn như gia đình, nhà trường vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em hoặc liên quan đến xâm hại tình dục. Mỗi vụ, việc xảy ra đều là những bài học đau lòng, những hồi chuông cảnh tỉnh đối với người lớn.

Giúp trẻ cởi mở chia sẻ những vấn đề của mình liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, qua giám sát, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh, trước hết cần phải nói đến sự xuống cấp về đạo đức của một số người. Những người gây ra bạo lực tình dục thường là không nhận thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với các thành viên khác trong xã hội.

Nhiều trường hợp do coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc do dùng chất kích thích như ma túy, rượu bia hay do ảnh hưởng của sản phẩm kích động, bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, kích dục trên Internet…

Thứ nữa, các chính sách, pháp luật hiện hành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, nhất là những quy định về chế tài xử phạt đối với các tội phạm xâm hại tình dục chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe đối với người phạm tội.

(Clip) ÔngVõ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH  Đắk Nông:

Chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền

Qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cần tăng cường xây dựng môi trường an toàn cho trẻ

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về pháp luật hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật về bình đẳng giới, về bảo vệ quyền trẻ em còn hạn chế, chưa thường xuyên, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là trẻ em gái còn hạn chế. Các nạn nhân của nạn xâm hại tình dục như phụ nữ, trẻ em, do không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu.

Cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi, nhiều trường hợp không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, cho đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, từ đó chưa thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em, chưa có ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm.

Bình quân mỗi ngày cả nước có 7 trẻ bị xâm hại; một năm có 38 trẻ bị giết hại, 133 trẻ bị thương tích, 1.286 trẻ bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai. Năm 2019, số trẻ em bị xâm hại trong cả nước tăng đột biến. Điều đáng buồn là xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 75% tổng số vụ xâm hại trẻ em nói chung.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong thực hiện quyền trẻ em chưa thật sự quyết liệt. Nguồn kinh phí bố trí cho việc thực hiện các mục tiêu vì trẻ em còn hạn hẹp so với nhu cầu đặt ra. Trong giai đoạn 2015- 2019, công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của HĐND các cấp, Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ các địa phương chưa được triển khai.

Các địa phương chú trọng chưa cao đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bị xâm hại trẻ em. Phần nhiều các huyện, thành phố mới chú ý đến việc tuyên truyền bề rộng, thiếu chiều sâu, nhất là với gia đình trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Xác định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề “nóng” và dần trở nên báo động, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, hầu hết các đại biểu đều quan tâm đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay. Một đại biểu ở tỉnh Đồng Tháp nhận định, qua báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội phần nào thấy được “mảng tối” trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại là trách nhiệm của cả cộng đồng

Từ chỗ phân tích, làm rõ những nguyên nhân dẫn tới thực trạng buồn về xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, các đại biểu đề nghị cần triển khai đồng bộ các giải pháp mới có thể tạo được sự chuyển biến tích cực. Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị, nhấn mạnh một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các cấp ngành, địa phương trước hết phải tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền.

Cũng theo các đại biểu Quốc hội, để công tác phòng, chống hiệu quả cần tạo làn sóng dư luận mạnh mẽ thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường chất lượng của nguồn con người đảm trách nhiệm vụ; tập trung giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ với chính các em mà cả với người lớn; tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử; xây dựng chiến lược bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.  

Tuy nhiên, trước hết và trên hết, ngay chính trong các gia đình, những người cha, người mẹ phải luôn quan tâm quản lý, giáo dục, hướng dẫn con em đừng để rơi vào tay những “yêu râu xanh”, trở thành nạn nhân bị xâm hại. Đặc biệt, pháp luật phải xử lý thật mạnh tay, thật nghiêm khắc đối với những “yêu râu xanh”, để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này. Những vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em cũng cần được tổ chức xét xử lưu động, thu hút đông đảo người dân theo dõi, để giáo dục, tạo sự răn đe cao trong cộng đồng, góp phần ngăn ngừa các hành vi đồi bại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác! (kỳ 4): Phải chung tay, góp sức bảo vệ trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO