Xét nghiệm HIV tự nguyện, hiểu đúng để sống khỏe

Bài, ảnh: Vũ Trang| 03/12/2018 10:43

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, ngành Y tế đã tập trung đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV tự nguyện nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn chưa chủ động tham gia, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Phụ nữ tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện tại xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Đơn giản, thuận lợi

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp, việc xét nghiệm HIV được thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Tại các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động các phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện. Qua đó, người dân không chỉ được xét nghiệm HIV tự nguyện mà còn được tư vấn các thông tin cần thiết để dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục cũng như cách lựa chọn các hành vi an toàn, chăm sóc người thân, gia đình nếu có người đã nhiễm HIV. Các hoạt động đều bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bí mật, chính xác và đều được thực hiện miễn phí.

Ngoài ra, với đặc thù là địa bàn rộng, dân cư phân tán, nên ngành Y tế đã triển khai thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV lưu động tại một số địa bàn dân cư. Dịch vụ còn được gắn với chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao tiếp cận với dịch vụ.  

Còn tâm lý e ngại

Mặc dù việc xét nghiệm HIV ngày càng thuận tiện và mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng hiện nay, không ít người dân vẫn còn tâm lý e ngại, chưa chủ động tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do sợ bị lộ danh tính, cộng đồng kỳ thị nếu không may bị nhiễm HIV.

ADQuảng cáo

Anh Lê Duy Hoàng, chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm y tế huyện Đắk Song) cho biết: “Trên thực tế, người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Do đó, rất ít người làm xét nghiệm và điều trị tại địa phương, phần lớn thường đến các địa bàn khác do lo ngại vấn đề về lộ thông tin cá nhân”.

Cũng theo anh Hoàng, không chỉ ngại đến cơ sở y tế để xét nghiệm mà nhiều trường hợp khi làm xét nghiệm cũng không chia sẻ thông tin thật về tên tuổi, địa chỉ... Đây là rào cản lớn nhất khiến ngành Y tế khó làm tốt công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân nhiễm HIV tại cộng đồng. Điều này cũng có nghĩa là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm HIV trong cộng đồng còn khá lớn...

Ngoài ra, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều chỉ biết tình trạng của bản thân trong quá trình chuyển dạ, sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Đơn cử như trường hợp chị T.M.V.L ở huyện Đắk Glong, phát hiện bản thân bị nhiễm HIV trong quá trình sinh đứa con đầu lòng. Do việc phát hiện và can thiệp muộn nên đứa con của chị cũng bị nhiễm HIV.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay cách duy nhất để biết bản thân nhiễm HIV hay không là phải xét nghiệm máu. Đa số người nhiễm HIV giai đoạn đầu thường không có biểu hiện bên ngoài. Trong khi đó, HIV lại dễ dàng lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa máu hoặc dịch sinh học. Do vậy, không chỉ lây truyền từ mẹ sang con, tình dục, kim tiêm không an toàn… mà khi gặp tai nạn, chữa trị, làm đẹp, tiếp xúc không an toàn đều có thể nhiễm HIV.

Ngoài ra, việc xét nghiệm để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV sẽ giúp người bệnh chủ động có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp, giảm chi phí điều trị, kéo dài tuổi thọ và nhất là dự phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, về phía ngành Y tế xác định, công tác tuyên truyền, vận động vẫn là biện pháp hàng đầu cần được đẩy mạnh để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và việc xét nghiệm HIV tự nguyện nói riêng.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét nghiệm HIV tự nguyện, hiểu đúng để sống khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO