Xuất khẩu lao động là “kênh” giải quyết việc làm rất hữu hiệu, có ý nghĩa về nhiều mặt

Thanh Nga thực hiện| 25/01/2019 09:25

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những “kênh” giải quyết việc làm, giúp các gia đình giảm nghèo, phát triển kinh tế và còn góp phần phát triển xã hội ở nhiều mặt. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đoàn, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Tiến Đoàn

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc những năm gần đây, người dân quan tâm hơn đến việc đi XKLĐ?

Ông Nguyễn Tiến Đoàn: Những năm gần đây, XKLĐ đã được người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Số người đi XKLĐ hàng năm tăng, trong đó năm 2018, toàn tỉnh có 176 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 103,5% kế hoạch và tăng hơn năm 2017. Thị trường được người dân lựa chọn để XKLĐ có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Với trách nhiệm của mình, thời gian qua ngành LĐTB-XH đã đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách XKLĐ cũng như phối hợp với Tỉnh đoàn, các địa phương, các công ty tuyển dụng tuyên truyền đến tận thôn, bon, xã, thị trấn. Thông qua đó, người dân có nhiều điều kiện để nắm bắt thông tin, hiểu đúng và thấy được các lợi ích thiết thực khi đi XKLĐ. Từ đó, nhiều lao động trẻ đã quyết định chọn XKLĐ để lập thân, lập nghiệp.

PV: Vậy XKLĐ tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế gia đình và kinh tế - xã hội?

Ông Nguyễn Tiến Đoàn: Thực tế, XKLĐ tăng thu nhập cho lao động, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, góp phần giảm nghèo. Mỗi hợp đồng đi XKLĐ có thời gian thường 3 năm và một lao động tiết kiệm được ngoại tệ tương đương khoảng 300-500 triệu đồng mang về nước. Với số tiền tích lũy được, nhiều lao động không chỉ xóa nghèo mà còn có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho những lao động khác. Bên cạnh đó, XKLĐ còn tiết kiệm được chi phí đầu tư cho giải quyết việc làm trong nước và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Các lao động trẻ tìm hiểu về thị trường XKLĐ tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa

PV: Thời gian qua, tỉnh ta đã có những cơ chế, chính sách nào để đẩy mạnh XKLĐ, thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Tiến Đoàn: Ngoài chính sách của Trung ương, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách đẩy mạnh XKLĐ. Cụ thể, Chỉ thị số 09 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác XKLĐ; Nghị quyết số 33 của HĐND tỉnh thông qua Chương trình làm việc tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh quy định về đối tượng chính sách khác được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Mới đây, UBND tỉnh có Quyết định số 09 về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, các trường hợp được vay vốn là lao động của thân nhân gia đình chính sách, người có công với cách mạng; lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất; lao động là bộ đội, công an, thanh niên xung phong hoàn thành nghĩa vụ; hộ khó khăn về tài chính do thiên tai, ốm đau, bệnh tật… Người lao động được vay 100% chi phí cho từng thị trường mà họ tham gia XKLĐ.

Nhiều bạn trẻ tìm hiểu về du học và XKLĐ

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng XKLĐ của tỉnh Đắk Nông?

Ông Nguyễn Tiến Đoàn: Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Nông thì việc phát triển mạnh về XKLĐ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Đắk Nông có lực lượng lao động dồi dào, nhưng khả năng tạo việc làm từ các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp còn thấp. Tỷ lệ lao động thuộc diện hộ nghèo những năm gần đây tuy có giảm mạnh nhưng vẫn còn cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ra trường chưa có việc làm, thu nhập chưa phù hợp với trình độ đào tạo còn khá nhiều. Vì vậy, XKLĐ là một “kênh” giải quyết việc làm cho người lao động rất hữu hiệu, có ý nghĩa về nhiều mặt.

XKLĐ còn tạo nguồn lao động có kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khỏe, ngoại ngữ… góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau khi hết hợp đồng trở về làm việc trong nước. Điều này rất quan trọng, bởi lao động khi trở về nước sẽ có nhiều thuận lợi để làm việc cho các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, số lao động trong độ tuổi từ 20-39 tuổi khoảng 117.000 người, chiếm  35% tổng dân số và chiếm 61% lực lượng lao động, nên có thể nói tỉnh ta có tiềm năng lớn về XKLĐ. Vì vậy, về phía Sở LĐTB-XH cùng với các huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn người lao động hướng đến những thị trường XKLĐ có thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động là “kênh” giải quyết việc làm rất hữu hiệu, có ý nghĩa về nhiều mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO