Xứng đáng là người con của "quê Cha, đất Tổ"

02/04/2020 09:19

Đến Đắk Nông lập nghiệp từ lâu, những người dân có quê ở Phú Thọ vẫn luôn giữ gìn truyền thống của vùng đất Tổ, phát huy tinh thần đoàn kết, linh động trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều người trong số họ đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại nhiều địa phương.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Trần Văn Hưng, ở xã Nam Bình (Đắk Song), nhiều năm qua được xem là hộ nông dân tiêu biểu của trong sản xuất, kinh doanh và đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Theo ông Hưng, năm 1997, gia đình ông từ huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vào Đắk Nông lập nghiệp. Những năm đầu cuộc sống còn vất vả, nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, chính quyền các cấp, nên đời sống của gia đình ông dần ổn định, phát triển.

Thời gian gần đây, ngoài chăm sóc trên 2 ha cà phê, ông còn mở rộng thêm hơn 1 ha trồng rau màu, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, gia đình ông còn luôn giúp đỡ những gia đình nghèo khó xung quanh. Bằng cách cho vay vốn không lấy lãi, ông đã giúp nhiều hộ có tiền đầu tư vào sản xuất.

Buổi lễ dâng hương tại Đền thờ Vua Hùng ở thôn 6, xã Đắk Buk So (Tuy Đức), ngày 10/3 (Âm lịch) năm 2019

Còn  gia đình ông Nguyễn Hữu Cảnh, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), cũng gặt hái được nhiều thành quả trong sản xuất, kinh doanh và giúp đỡ mọi người cùng vươn lên. Ông Cảnh quê xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), vào Đắk Nông lập nghiệp từ nhiều năm trước. Hiện nay, ngoài 5 ha đất trồng cà phê, ông còn chăm sóc thêm 2 ha hồ tiêu, cây ăn trái và mở thêm đại lý thu mua nông sản, kinh doanh phân bón… Việc kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi, tạo dựng được uy tín tại địa phương. Nhờ đó, hàng năm thu nhập của gia đình ông đạt hàng tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức lương hơn từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Dù xa quê, nhưng trong lòng ông Cảnh luôn nhớ về "quê Cha, đất Tổ", nên hàng năm đều luôn đóng góp, ủng hộ quê hương. Ông Cảnh cho biết: “Dù ở đâu, làm gì thì tôi luôn nhớ về quê hương nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Vì vậy, ngoài góp phần nhỏ cho quê nhà, tôi luôn cố gắng mở mang công việc làm ăn của gia đình, hỗ trợ, giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình để cùng nhau phát triển”.

ADQuảng cáo

Giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em tại Đền thờ Vua Hùng ở thôn 6, xã Đắk Buk So (Tuy Đức), ngày 10/3 (Âm lịch) năm 2019

Theo Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, hàng năm, tại các địa phương trong tỉnh, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển khá mạnh. Trong đó, số lượng các hộ dân gốc Phú Thọ luôn đóng góp khá nhiều cho phong trào tại các địa phương. Nhiều hộ khi di cư đến Đắk Nông theo chính sách kinh tế mới, đến nay đã vươn lên làm giàu và trở thành gương sáng cho bà con noi theo. Nhiều hộ đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, góp phần cùng cộng đồng dân cư thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Ngoài nỗ lực trong phát triển kinh tế, việc tổ chức các hoạt động hướng về ngày giỗ Tổ cũng được các gia đình đến từ tỉnh Phú Thọ coi trọng và tổ chức chu đáo. Theo ông Bùi Văn Lâm, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ, xã Đắk Buk So (Tuy Đức), các hoạt động hướng về ngày giỗ Tổ Vua Hùng luôn thu hút nhiều bà con các dân tộc tại địa phương đến sinh hoạt. Ông Điểu Nga, ở bon Bu N’rung, xã Đắk Buk So, cho biết: “Khi tham gia sinh hoạt tại Đền thờ Vua Hùng ở Đắk Buk So đã giúp tôi hiểu biết hơn về văn hóa, cội nguồn của dân tộc Việt Nam mình”.

Anh Điểu Nga cũng như nhiều hộ dân khác cho rằng, các buổi sinh hoạt, giao lưu do các hộ dân quê Phú Thọ tổ chức đã trở thành nơi gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết giữa các hộ dân và các thôn, bon buôn trên địa bàn.

Bài, ảnh: Kim Ngân

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xứng đáng là người con của "quê Cha, đất Tổ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO