Ðạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Tường Mạnh| 18/07/2022 05:55

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới sau này, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã nằm xuống và hàng chục vạn người khác đã để lại một phần máu xương trên khắp các chiến trường.

ADQuảng cáo

Từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thương binh, liệt sĩ. Trong hoàn cảnh khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, sắc lệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tính ưu việt của xã hội mới, đồng thời xác định trách nhiệm của Nhà nước, toàn dân cùng chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ.

Theo thời gian, chính sách xã hội được gắn liền với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ, được mở rộng về đối tượng. Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, thương binh, liệt sĩ chủ yếu là bộ đội thì trong kháng chiến chống Mỹ và trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, ngoài bộ đội còn có thanh niên xung phong, dân công, cán bộ cơ sở. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản sao cho sát với tình hình thực tế, bảo đảm các đối tượng người có công đều được toàn xã hội chăm lo, ưu đãi thật sự xứng đáng.

Ảnh minh họa

Hiện cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công đang được hưởng sự ưu đãi của chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phải nói rằng đây là một bộ phận xã hội đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trước đây, họ chiến đấu hy sinh mà không hề tính toán thiệt hơn. Vì nghĩa lớn, họ sẵn sàng gác sang một bên các quyền lợi cá nhân. Trong thời bình, khi xã hội nảy sinh tình trạng giàu nghèo, nếu không quan tâm đầy đủ đến các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách thì có nghĩa là chúng ta có lỗi.

ADQuảng cáo

Xuất phát từ thực tiễn và đòi hỏi của xã hội, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức làm tốt công tác chính sách xã hội đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Xã hội hóa công tác này đã và đang trở thành động lực thúc đẩy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và mãi mãi là truyền thống tốt đẹp và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy càng được nhân lên trong thời đại ngày nay thông qua những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước dành cho người có công với cách mạng. Đồng thời, toàn xã hội ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”.

Với tinh thần đó, ngay từ tháng 5/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) trên khắp cả nước bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Ở cấp quốc gia, Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 sẽ được tổ chức với khoảng 450 đại biểu người có công. Ngoài ra, Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ sẽ diễn ra tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc; Chương trình cầu truyền hình trực tiếp gặp mặt nhân chứng lịch sử tại 5 điểm cầu (Hà Nội, TP. HCM, Bình Định, Hà Giang, Quảng Nam); Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tại Nghệ An; Lễ phát động, vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì.

Tùy điều kiện cụ thể, các tỉnh, thành tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại địa phương và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO