Ðừng viết theo kiểu “tô hồng” hay “bôi đen”

Thanh Nga| 04/07/2018 10:48

Đối với những người làm nghề viết báo, khi nghe bạn đọc nói “nhà báo nói thêm” chắc hẳn ai cũng chạnh lòng. Thế nhưng, bạn đọc nói vậy cũng không phải không có nguyên do. Có khi nào những người làm báo tự đặt câu hỏi: Vì sao vẫn còn những bạn đọc lại nghĩ về nghề báo như vậy hay không?

ADQuảng cáo

Mới đây, tôi có dịp đi cùng với đoàn công tác của tỉnh đến tham quan vườn cam, quýt của một nông dân ở thị xã Gia Nghĩa. Mặc dù đã biết đến nông dân này qua các bài báo, nhưng khi đến nơi tôi vẫn ngỡ ngàng trước tư duy làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ông. Ngoài việc sử dụng công nghệ hiện đại như hệ thống tưới phun sương, bón phân và phòng trừ sâu bệnh, tôi khá tò mò vì sao ông lại có thể “điều khiển” để cây cam, quýt cho trái tới 2-3 vụ/năm. Quan sát vườn cam, quýt, tôi còn thấy ông trồng gốc rất cạn.

Thấy lạ, tôi muốn tìm hiểu để viết bài, nhưng người nông dân này vội bảo mình không muốn “lên báo”. Tôi hỏi vì sao không muốn viết thì ông kể: “Tôi từng được vài phóng viên viết bài nhưng khi đọc lại không hài lòng vì họ ca ngợi quá. Họ bảo tôi là tỷ phú, thu nhập gần 5 tỷ đồng, trong khi thực tế không đạt cao như vậy. Họ hỏi tôi về năng suất, giá cả, rồi cứ thế nhân lên theo số diện tích và tính ra thu nhập của năm. Thực tế sản xuất không phải cứ nhân lên như thế là đúng vì tôi trồng nhiều lô và thời gian chênh nhau để gối đầu nên vườn cây trồng năm thứ 1 khác so với trồng năm thứ 2... Nói chung, tôi không thích người ta “tô hồng” mình như vậy!”.

Ông Phan Duy Lam ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cam, quýt đem lại thu nhập cao

ADQuảng cáo

Nghe người nông dân nói vậy, tôi cũng thấy chạnh lòng. Sau những lời tâm sự về nghề nghiệp của tôi, ông đã phần nào hiểu hơn về nghề báo và hiểu rằng mỗi người có một cách viết. Tôi cũng chia sẻ rằng, mình muốn viết về cách ông làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những kinh nghiệm quý trong thực tế trồng cam, quýt trên đất Đắk Nông để giúp nông dân trong tỉnh biết và cùng làm ăn. Sự chia sẻ về trồng cam, quýt hàng chục năm của ông sẽ là kinh nghiệm quý giá giúp những người khác đỡ mất thời gian và có thể áp dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế của gia đình và xã hội.

Nghe xong, ông đồng ý với quan điểm của tôi và vui vẻ chia sẻ những “bí quyết” để vườn cam, quýt cho trái 2 - 3 vụ/năm. Thế nhưng, ông vẫn không quên một lần nữa nhắc tôi: “Cô đừng viết thu nhập tỷ này, tỷ nọ nữa nhé, tôi ngại lắm! Mình làm chưa được như vậy mà viết lên như vậy những người trong nghề họ đọc sẽ cười cho”.

Một lần nọ, một cán bộ ở Sở Lao động, Thương binh-Xã hội phàn nàn về việc một tờ báo nọ phản ánh một chiều về công tác đào tạo nghề của tỉnh, thậm chí là phiến diện. Vị cán bộ bày tỏ, ông đã đọc loạt bài dài kỳ về “Bức tranh đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đăng trên Báo Đắk Nông phản ánh toàn diện hiệu quả và hạn chế của công tác này. Tuy nhiên, khi đọc ở một tờ báo khác thì chỉ phản ánh toàn những mặt hạn chế, những mặt chưa được, chứ không hề nêu những kết quả đã đạt được, thậm chí phủ nhận sạch trơn hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Bài báo này gần như khai thác thông tin, xào xáo lại từ loạt bài đăng trên Báo Đắk Nông nhưng chỉ phản ánh mặt tiêu cực. Sau khi bài báo này đăng tải, Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội đã yêu cầu sở giải trình. Sở đã phải lấy loạt bài đăng trên Báo Đắk Nông để giải thích, thanh minh với bộ.

Thiết nghĩ, mỗi người làm báo đều có tính cách, văn phong riêng nhưng cần phải phản ánh nội dung một cách trung thực, chính xác, công tâm thì mới có giá trị về mặt thông tin. Khi người viết báo “tô hồng” hay “bôi đen” có nghĩa là sự thật không còn là sự thật nữa và bài báo giảm giá trị, thậm chí hoàn toàn không còn giá trị vì đã dối lừa độc giả. Người Nga có câu ngạn ngữ: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. Vì vậy, Điều 3 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng đã chỉ rõ: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðừng viết theo kiểu “tô hồng” hay “bôi đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO