Đảng bộ xã Buôn Choáh lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp

Lam Giang| 17/12/2015 09:45

Trong những năm qua, Đảng bộ xã Buôn Choáh (Krông Nô) đã tập trung lãnh đạo đưa các giống cây trồng, vật nuôi, mô hình nông nghiệp mới vào sản xuất, giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao mức sống.

ADQuảng cáo

Với lợi thế có cánh đồng ven sông gần 1.000 ha, thuận lợi cho phát triển cây lương thực, chủ yếu là lúa và ngô, thời gian qua, Đảng bộ xã đã xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Mô hình cánh đồng mẫu lúa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân Buôn Choáh. Ảnh : Đ.H 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Quốc, Bí thư Đảng ủy xã Buôn Choáh thì trong thời gian qua, nhiều chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp cho năng suất, chất lượng cao; áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích… được Đảng bộ xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai.

Việc cơ giới hóa được thực hiện khá đồng bộ từ khâu làm đất, phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Theo đó, đối với cây lúa nước, xã thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn và dồn điền đổi thửa. Các thành phần kinh tế được khuyến khích tham gia đầu tư trong khâu thu mua và chế biến nông sản, hình thành chuỗi giá trị kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu gạo Buôn Choáh nhằm tăng hiệu quả trên diện tích canh tác.

Đối với cây ngô, địa phương đang liên kết với các doanh nghiệp khảo nghiệm, nghiên cứu các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Để tạo sự đồng thuận, giúp người dân phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, Đảng bộ xã đã tổ chức quán triệt đến các đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học  kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, đảng viên được phân công phụ trách các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

ADQuảng cáo

Song song đó, địa phương phối hợp với các ngành chức năng huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, giúp nông dân tiếp cận kiến thức khoa học, kỹ thuật, quy trình chăm sóc, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản sản phẩm đúng cách.

Cán bộ kỹ thuật còn trực tiếp đến từng hộ gia đình tham gia mô hình VietGap, hướng dẫn cách ghi chép theo dõi số lượng, số lần bón phân, phun thuốc, sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào cho phù hợp, xây dựng kho để các dụng cụ sản xuất, thuốc riêng biệt với nơi bảo quản lúa khi thu hoạch…

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của xã là 3.563 ha, với hệ số sử dụng đất đạt 2,3 lần. Tổng sản lượng lương thực đạt 24.226 tấn; trong đó, lúa 9.893 tấn, ngô 14.330 tấn, đều vượt kế hoạch năm 2015. Giá trị sản xuất đạt 65 triệu đồng/ha. Đặc biệt, xã đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích hơn 40 ha.

Với việc tổ chức sản xuất tập trung theo quy trình canh tác tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, nên hiệu quả kinh tế cao hơn thông thường 8-10 triệu đồng/ha. Đồng thời, trên địa bàn cũng đã triển khai sản xuất ngô giống F1 khoảng 30 ha trong vụ đông xuân hàng năm.

Đến Buôn Choáh hôm nay, những ruộng lúa xanh mướt, những cánh đồng ngô bạt ngàn đã giúp cho nhiều gia đình nông dân có những mùa vàng bội thu, no ấm.

Ông Lê Văn Hoàng ở thôn Thanh Sơn cho biết: “Gia đình có 1,5 ha đất, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chăm sóc theo phương pháp mới, quay vòng mỗi năm 2 vụ, thu 30 tấn ngô, 10 tấn lúa”. Còn anh Ngô Văn Quý, ở thôn Bình Giang cũng nói: “Tôi thấy tham gia mô hình VietGap, nông dân được hưởng lợi rất nhiều, vì đây là hình thức sản xuất thân thiện, an toàn với môi trường”.

Có thể nói, với việc đưa giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã giúp Buôn Choáh trở thành vùng trọng điểm lương thực của huyện, nhất là làm nên thương hiệu gạo Buôn Choáh, tạo động lực để hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ xã Buôn Choáh lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO