“Khơi sức dân” ở Đắk Mil

Công Tính| 18/07/2012 13:55

Những năm gần đây, người dân ở huyện Đắk Mil đã tích cực đóng góp công sức xây dựng hàng chục công trình đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các điểm vui chơi… góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê...

ADQuảng cáo

Những năm gần đây, người dân ở huyện Đắk Mil đã tích cực đóng góp công sức xây dựng hàng chục công trình đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các điểm vui chơi… góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê. 

Đường giao thông liên thôn ở xã Đắk Sắk được đầu tư xây dựng với sự đóng góp tích cực của người dân địa phương

Từ làm đường giao thông nông thôn

Xã Đắk Sắk vài năm trước, từ đường lớn đến ngõ xóm đều là đường đất; vào mùa mưa, luôn trong tình trạng lầy lội, còn bây giờ nhiều tuyến đường giao thông liên thôn đã được bê tông, nhựa hóa, không kém gì ở đô thị.

Hỏi chuyện về những con đường nhựa và bê tông này, ông Trần Khắc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã huy động được hàng tỷ đồng của người dân làm đường. Không chỉ góp tiền, bà con còn nhận thi công, giám sát, nên tiến độ, chất lượng công trình được đảm bảo... Hơn một năm qua, xã đã làm được 3,4 km đường bê tông và 4,5 km đường nhựa, trong đó bà con đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng. Và trong năm 2012, khi xã tiếp tục phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, bà con đăng ký đóng góp được 7 km đường bê tông và một cây cầu”.

Về cách làm, theo ông Toản thì để tạo được sự đồng thuận, ngay từ lúc triển khai chủ trương của huyện, xã không áp đặt mà hoàn toàn dựa vào nhu cầu của người dân. Khi làm đường bê tông, thay vì thi công mặt đường rộng 3 m như ở địa phương khác thì bà con thống nhất mở rộng, đủ để hai chiếc xe cày chở cà phê, phân bón đi vừa. Ngay việc xã làm chủ đầu tư công trình, nhưng quá trình mua vật liệu đến thi công, giám sát đều có sự vào cuộc của người dân… Chính việc công khai, dân chủ này mà khi xã phát động các phong trào đóng góp, xây dựng khác, đều được người dân ủng hộ.

Ngoài xã Đắk Sắk, phong trào người dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương còn phát triển mạnh ở các xã Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Lao, Đắk R’la… Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đắk Mil, trong năm 2011, cùng với nguồn vốn Nhà nước, người dân trong huyện đã đóng góp làm được 8 km đường giao thông nông thôn và 1,6 km kênh mương thủy lợi.

Riêng năm 2012, các địa phương trong huyện đã đăng ký làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương với tổng chiều dài hơn 23 km, vốn đầu tư 67 tỷ đồng, trong đó vốn huy động người dân đóng góp 22 tỷ đồng.

Đến các công trình thể thao, văn hóa

ADQuảng cáo

Với việc phát huy sức dân, chỉ trong hơn một năm trời, huyện Đắk Mil đã đầu tư, xây dựng được hàng chục hội trường thôn, bon. Theo đó, dựa trên yêu cầu của các tổ dân phố, thôn, bon thì huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, còn người dân hiến đất, góp công sức xây dựng.

Tính riêng ở thị trấn Đắk Mil, cả 6 tổ dân phố đều có công trình hội trường thôn do dân đóng góp công sức xây dựng... Ngoài việc tận dụng nguồn vốn của Nhà nước, kết hợp với nhân dân, thời gian qua huyện Đắk Mil còn phát triển mạnh phong trào xã hội hóa đầu tư các điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Phong trào này được phát triển nhanh, mạnh tại thị trấn Đắk Mil, xã Đức Mạnh, Đức Minh với việc tư nhân đầu tư hàng chục sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân tennis, vốn trước đây được xem là những môn thể thao khá xa ở vùng nông thôn. Với cách thức xã hội hóa trong đầu tư này đã từng bước đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của người dân nông thôn, vốn còn thiếu nhiều những “món ăn tinh thần”.

Theo ông Hoàng Công Thắng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil thì để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, nhà văn hóa, hay các điểm vui chơi, trong điều kiện khó khăn này, ngoài nguồn vốn Nhà nước, địa phương phải dựa vào sức dân nữa.

Nói như vậy, nhưng để thực hiện được cũng là cả một quá trình mà địa phương phải dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động, giúp người dân nắm rõ chủ trương của Nhà nước. Còn khi áp dụng vào thực tế, huyện phải thực hiện linh hoạt, giao sự chủ động cho các ngành, địa phương và người dân. Như làm đường giao thông nông thôn, huyện không áp đặt mua xi măng (vốn Nhà nước) mà “rót” trực tiếp vốn xuống xã để địa phương và bà con tự quản lý. Vì nếu ở xã nào cũng cấp vốn… xi măng thì sẽ không có kho, bãi cất giữ, dẫn đến chất lượng sẽ bị xuống cấp.

Ở trường hợp đầu tư xây dựng hội trường thôn, bon thì huyện cũng căn cứ trên nhu cầu, đề xuất của người dân. Khi các địa phương cần xây dựng công trình, huyện sẽ cân đối một phần vốn, còn lại bà con tự thỏa thuận việc đóng góp có thể là mặt bằng xây dựng, hoặc công sức.

Ông Thắng cho biết thêm, khi chủ trương “đánh” trúng vào nhu cầu bà con thì sức dân được “khơi” rộng. Thực tế, trong tổng số vốn người dân đăng ký đóng góp làm đường giao thông nông thôn toàn huyện, năm 2012 đạt tổng trị giá khoảng 70 tỷ đồng thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ chỉ bằng 1/10 nhu cầu.

Với phong trào xây dựng hội trường thôn, bon cũng vậy, nhu cầu đóng góp công sức, vốn của người dân hiện đã vượt ngoài khả năng hỗ trợ của địa phương.

Có thể nói, những kết quả huyện Đắk Mil huy động sức dân để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao chưa phải là nhiều, nhưng đó cũng là một điều đáng để nhiều địa phương khác trong tỉnh học tập cách làm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khơi sức dân” ở Đắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO