Phát triển "hạt giống đỏ" trong vùng dân tộc thiểu số (kỳ 2): Thực tiễn và những vấn đề đặt ra

Hoàng Hoài – Vũ Trang| 23/08/2017 14:49

Trong những năm qua, Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển đảng viên DTTS vẫn còn những hạn chế nhất định.

Vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình là một trong những "rào cản" trong việc phát triển đảng viên DTTS ở xã Đắk Som (Đắk Glong).

Phát triển số lượng đi đôi với chất lượng

Ngay từ khi mới thành lập tỉnh, công tác phát triển đảng viên là đồng bào DTTS ở các buôn, bon, bản đã được Tỉnh ủy quan tâm, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.

Tỉnh ủy nhận thấy, tổ chức đảng ở các buôn, bon có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS.

Vì vậy, ngày 13/5/2004, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02- NQ/TU “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện”, trọng tâm là thực hiện cuộc vận động, xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đây là nghị quyết sát sườn, mang tính xương sống, liên tục để công tác tổ chức xây dựng Đảng từ dưới cơ sở trở lên được đồng bộ, hiệu quả.

Qua nhiều năm thực hiện, đến năm 2006, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ đồng bào DTTS. Nhờ đó, đến nay, công tác phát triển Đảng ở vùng đồng bào DTTS, nhất là DTTS tại chỗ đã có những chuyển biến rõ nét.

Theo thống kê, năm 2004, toàn Đảng bộ tỉnh có 7.113 đảng viên, trong đó có 1.004 đảng viên DTTS. Đến nay, toàn Đảng bộ đã phát triển được 23.656 đảng viên, trong đó có 3.447 đảng viên DTTS.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đảng không chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho dân…chứ không phải là quan nhân dân”, bên cạnh phát triển số lượng, các cấp ủy đảng luôn quan tâm đến chất lượng đảng viên.

Việc phát triển đảng viên nói chung và đảng viên DTTS nói riêng không tách rời khỏi những tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Do đó, đến nay, đội ngũ đảng viên DTTS đều cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, trình độ văn hóa, lối sống và tất cả các quy định của người đảng viên. Nhiều đảng viên DTTS đã được giao những chức vụ quan trọng trong Đảng, cơ quan chính quyền.

Đặc biệt, những năm gần đây, việc phát triển đảng viên DTTS được quan tâm nhiều hơn về trình độ học vấn. Tỷ lệ đảng viên DTTS có trình độ học vấn từ THPT trở lên ngày càng nhiều.

Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên cũng được chú trọng nhằm phát huy vai trò, cọ xát thực tiễn, từng bước nâng cao về chất lượng. Mỗi đảng viên, dù là người Kinh hay DTTS tham gia sinh hoạt đều được chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.

Thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng, đảng viên được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhìn nhận cái gì làm được, cái gì chưa, tìm ra nguyên nhân để từng bước tháo gỡ. Việc này cũng giúp chi bộ nắm bắt được việc phân công nhiệm vụ của đảng viên có phù hợp không, việc giao đó quá khó hay quá dễ để có sự điều chỉnh hợp lý.

Theo đồng chí Trần Duy Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sự phát triển về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên DTTS đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đây chính là những “hạt giống đỏ, hạt giống tốt”, đầu mối để chuyển tải tất cả những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Điều đáng mừng, hầu hết những đảng viên DTTS đều là những tuyên truyền viên tích cực để vận động thêm nhiều quần chúng ưu tú khác trở thành hạt giống cách mạng.

Đồng chí Trần Duy Thọ khẳng định: “Đồng bào DTTS luôn hướng về Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là động lực để bà con DTTS nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng sung túc, tốt đẹp hơn”.

Video đồng chí Trần Duy Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nói về sự phát triển của đội ngũ cán bộ, đảng viên DTTS góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh:

Toàn tỉnh hiện có 3.447 đảng viên DTTS, chiếm gần 15% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển đảng viên DTTS chưa đạt như mong muốn là do vướng khâu lý lịch như phải xác minh nhiều nơi, thời gian viết lý lịch của người xin vào Ðảng quá kéo dài… Ngoài ra, các nguyên nhân khác như vi phạm chính sách dân số, chưa muốn vào Ðảng để có nhiều thời gian phát triển kinh tế gia đình… cũng gây không ít khó khăn cho công tác phát triển đảng viên DTTS.

Thực tế vẫn còn khó khăn, hạn chế

Mặc dù công tác phát triển đảng viên DTTS đã có bước phát triển, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ đảng viên là DTTS so với số đảng viên toàn tỉnh còn thấp.

Qua tìm hiểu được biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển đảng viên DTTS chưa đạt như mong muốn là do vướng ở khâu lý lịch.

Đơn cử như ở Đảng bộ huyện Đắk Glong, mặc dù được xem là một trong những đảng bộ có tỷ lệ đảng viên người Mông cao nhất tỉnh, với 30/1.500 đảng viên, song trên thực tế lại chưa tương xứng với số lượng người dân.

Để xác minh được một lý lịch đòi hỏi thời gian rất dài. Có trường hợp, hồ sơ lý lịch xác minh tới 5-6 địa điểm mà nơi nào cũng xa, trong khi đó, chứng nhận tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng thì ngắn, nên mãi vẫn chưa xác minh xong.

Bên cạnh đó, khâu hướng dẫn quần chúng ưu tú là đồng bào DTTS viết lý lịch của người xin vào Đảng cũng không hề đơn giản.

Thông thường, việc viết lý lịch không phải một lần là xong, bởi nó đòi hỏi tính chính xác cao, nên đã sai thì phải viết lại là đương nhiên. Nhưng đồng bào DTTS lại hạn chế về cách viết, trình độ, nên nghe viết lại thì không chịu, dù thuyết phục nhiều lần. Chậm viết lý lịch, chậm trong khâu xác minh đã trở thành “rào cản” để việc phát triển đảng viên DTTS không thuận lợi.

Nguyên nhân nữa dẫn đến việc phát triển đảng viên DTTS còn hạn chế đó là vấn đề kinh tế.

Thực tế như ở xã Đắk Sôr (Krông Nô), nhiều người gương mẫu, tích cực trong các hoạt động, phong trào, nhưng kinh tế còn nghèo, nên họ chưa muốn vào Đảng.

Điển hình như trường hợp anh Trương Văn Long, dân tộc Tày là Trưởng thôn Đắk Trung, dù đã hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị kết nạp Đảng, nhưng anh xin hoãn lại để toàn tâm lo cho kinh tế gia đình phát triển.

Anh Long cho biết: “Không phải tôi không thích trở thành đảng viên. Lâu nay, tôi luôn nghĩ vào Đảng là môi trường để phấn đấu rèn luyện và trưởng thành về nhận thức và việc làm. Nhưng khi tôi đang đứng giữa hai sự lựa chọn này thì đành phải nghĩ cho vợ con trước. Bởi gia đình tôi còn nghèo, vợ thường ốm đau, con cái đang đi học. Sau này, cuộc sống khấm khá hơn, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Anh Trương Văn Long, Trưởng thôn Đắk Trung (xã Đắk Sôr, Krông Nô) chưa vào Đảng vì muốn tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng là nguyên nhân phổ biến của bà con DTTS. Trước đây, câu chuyện sinh ba, sinh năm trở lên hay lấy chồng từ thuở 13, làm cha từ thuở còn thiếu niên trong đồng bào DTTS là không hiếm.

Sau này, các cấp, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con DTTS sinh đẻ có kế hoạch, mặc dầu có chuyển biến nhưng tỷ lệ sinh vẫn còn cao.

Theo đồng chí Đỗ Văn Huynh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đắk Glong, công tác phát triển đảng viên DTTS, nhất là người Mông luôn được Huyện ủy quan tâm. Các chi bộ luôn cơ cấu người Mông hay dân tộc khác tham gia vào hệ thống chính trị địa phương.

Trong mỗi nhiệm kỳ, huyện đều xây dựng chương trình kiểm tra, khảo sát, nắm bắt, lựa chọn để phân công xây dựng giúp đỡ những cá nhân người DTTS có đủ phẩm chất, năng lực để giới thiệu vào các chức vụ ở thôn, làm nhân tố để bồi dưỡng, xem xét, kết nạp Đảng. Thế nhưng, việc phát triển đảng viên người Mông ở huyện Đắk Glong cũng đang vướng ở khâu kế hoạch hóa gia đình.

Đây cũng là một trở ngại trong việc phát triển đảng viên DTTS ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức). Thực tế, nhiều trường hợp người DTTS trên địa bàn có chí hướng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, nhưng gia đình lại có đông con.

Đơn cử như trường hợp anh Điểu Phét ở bon Bu Koh, mặc dù rất nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương và quan trọng là muốn được vào Đảng, nhưng gia đình anh có 9 người con.

Tương tự, chị Thị Ái ở bon Bu Koh cũng là người nhiệt tình với công tác xã hội, có uy tín trong việc tập hợp quần chúng, nhưng cũng vì lý do đông con mà ước mơ vào Đảng của chị nhiều năm nay không thực hiện được.

Ngoài những nguyên nhân trên, qua tìm hiểu còn có nhiều nguyên nhân khác nữa ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên DTTS như nhận thức, tư tưởng của bà con khi cho rằng, vào Đảng là để làm cán bộ, ở đây là cán bộ thôn, bon, bản.

Một số đảng viên, nhất là đảng viên lớn tuổi chưa nhiệt tình, tự giác giúp đỡ quần chúng trưởng thành để kết nạp Đảng. Việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, theo dõi giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng chưa thường xuyên. Nhiều trường hợp không đủ điều kiện về trình độ học vấn để xét kết nạp theo quy định của Điều lệ Đảng…

>>Kỳ 3: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển "hạt giống đỏ" trong vùng dân tộc thiểu số (kỳ 2): Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO