Phát triển "hạt giống đỏ" trong vùng dân tộc thiểu số (kỳ 3): Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Hoàng Hoài - Vũ Trang| 24/08/2017 15:17

Với nhiều kết quả đạt được, cùng với những vấn đề thực tế đặt ra, để công tác phát triển đảng viên DTTS đạt kết quả cao, trên cơ sở vừa bảo đảm số lượng đi đôi với chất lượng, các cấp ủy cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, dựa trên thực tiễn của địa phương.

ADQuảng cáo

Kinh tế phát triển là điều kiện để nhiều quần chúng ưu tú ở thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) phấn đấu vào Đảng

Tiếp tục kế thừa kinh nghiệm, cách làm hay

Đúc rút cách làm hay, các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển đảng viên DTTS.

Đó là các tổ chức cơ sở đảng cần tiến hành khảo sát số lượng, chất lượng quần chúng ưu tú để xây dựng kế hoạch về công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên nói chung, chú trọng người DTTS.

Cấp ủy cơ sở cần phân công cấp ủy viên hoặc những đảng viên chính thức có kinh nghiệm trong công tác đảng, am hiểu về vấn đề dân tộc, có uy tín với đồng bào DTTS về sinh hoạt tại địa bàn để xây dựng nòng cốt.

Cấp ủy các cấp chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với những quần chúng là DTTS như: Mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại cơ sở, coi đây là một giải pháp để tạo nguồn và nâng cao chất lượng nguồn kết nạp đảng viên.

Việc kết nạp quần chúng phải được tiến hành bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục, quy định, Điều lệ Đảng. Chú trọng phân công công tác để thử thách, rèn luyện, kết hợp với tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, tạo dư luận tốt cho đồng bào ủng hộ quần chúng ưu tú...

Các tổ chức cơ sở đảng xây dựng các nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc, các chương trình hoạt động, phong trào quần chúng phối hợp chung với các tổ chức đoàn thể, tôn giáo. Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS.

Cấp ủy các cấp thường xuyên đánh giá thực hiện công tác phát triển Đảng, nhất là đối với DTTS để thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, qua đó rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp có hiệu quả, đúng hướng.

Tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn

Bên cạnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, các tổ chức cơ sở đảng cần linh hoạt trong các khâu đã và đang vướng để từng bước tháo gỡ, có nghĩa là khó ở đâu thì tập trung gỡ ở đó.

Đầu tiên là phải tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến khó khăn, hạn chế về hồ sơ lý lịch, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế.

Ở đây không phải tháo gỡ bằng cách làm trái với quy định mà cần phải linh hoạt trong giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm tiêu chuẩn của người đảng viên.

Điển hình như ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), cái khó ở khâu lý lịch là do nay bổ sung cái này, mai lại thêm cái kia, nên dẫn đến tâm lý chán nản của quần chúng.

Do đó, người làm công tác tổ chức cần phải thay đổi, khi xem xét hồ sơ, lý lịch của một quần chúng nào đó thì cần xem xét kỹ càng, sai ở đâu, thiếu sót chỗ nào rồi hướng dẫn sửa một lần, tránh tình trạng đưa lên duyệt mấy lần mà vẫn sai sót, bổ sung…

Đối với việc “vướng” về kế hoạch hóa gia đình thì cần phải huy động cả hệ thống chính trị, xã hội cùng vào cuộc, xây dựng những cách thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nắm bắt được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc để vận động phù hợp, nâng cao nhận thức cho bà con.

Khi ý thức, nhận thức được nâng cao, chính bản thân người dân sẽ tự giác áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, nhất là những người trẻ.

Thực hiện đồng bộ các chính sách

Tất cả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ cho sự phát triển của đồng bào DTTS phải được thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Bởi đây chính là thực tiễn để bà con DTTS hiểu được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, dành mọi nguồn ưu tiên để giúp họ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Các địa phương cần tập trung hướng dẫn, khảo sát một cách kỹ càng điều kiện, đời sống của từng gia đình, nguyên nhân nghèo để có giải pháp giúp đỡ thiết thực. Mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng về cây, con chủ lực.

ADQuảng cáo

Vì vậy, ngành khuyến nông cần hướng dẫn bà con những loại giống cây trồng vật nuôi mới, phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao để sản xuất. Khi kinh tế ổn định, phát triển, bà con sẽ chú trọng hơn đến các hoạt động của địa phương, phấn đấu để có thể đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều chính sách của Trung ương, của tỉnh dành riêng cho đồng bào DTTS và từng bước có sự điều chỉnh phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất. Thông qua các chương trình, chính sách đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên.

Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đều giảm từ 4-5%. Các chính sách được thực hiện tốt thì hộ đói nghèo giảm, đồng nghĩa với việc giải quyết được nguyên nhân không vào Đảng vì lý do kinh tế khó khăn.

Hơn nữa, chủ trương của Đảng được thi hành tốt thì đồng bào DTTS sẽ luôn nghĩ về Đảng, tin Đảng, tự nguyện, tự giác phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Việc thực hiện tốt các chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần cho việc phát triển ngày càng đông hơn đảng viên là đồng bào DTTS ở địa bàn buôn, bon, nhất là vùng khó khăn.

Tạo ra các phong trào, hành động cách mạng

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển Đảng đối với đồng bào DTTS thông qua nhiều “kênh” khác nhau, nhất là tạo ra phong trào cách mạng cho họ phấn đấu.

Một khi đã tạo được “hạt nhân” thì phải xây dựng phong trào, đưa họ vào phong trào để rèn luyện cũng như thể hiện được năng lực của mình. Bởi yếu tố quan trọng để đảng viên nói riêng, quần chúng nhân dân nói chung thể hiện vai trò của mình là thông qua thực tiễn, chứ không thể nói suông.

Nếu tổ chức đảng có nguồn, tạo nguồn, nhưng không tạo môi trường để họ chứng minh, phấn đấu, thể hiện trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân thì sớm muộn gì những người đang muốn vào Đảng sẽ nản chí.

Hơn nữa, thông qua các phong trào, hoạt động, cấp ủy, mặt trận, đoàn thể sẽ phát hiện ra được những nhân tố tích cực, tiêu biểu để bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu cho Đảng xem xét  kết nạp.

Theo đồng chí Trần Duy Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, một trong những giải pháp tác động tích cực đến công tác phát triển đảng viên nói chung và đảng viên DTTS nói riêng, đó là vai trò nêu gương của người đảng viên.

Điều này phải thể hiện rõ qua công việc hàng ngày, trong lối sống, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, nhất là thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Bởi như Bác Hồ đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, đồng bào DTTS sẽ nhìn vào việc làm của đảng viên để làm theo.

Video đồng chí Trần Duy Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nói về một số giải pháp phát triển đảng viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:

Thực tế đã chứng minh, thời gian qua, vai trò nêu gương của đảng viên đã được thể hiện rõ qua các phong trào, hoạt động cách mạng, điển hình là triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều đảng viên DTTS đã tiên phong, đi đầu trong hiến đất làm đường, xây dựng trường học, nhà văn hóa, góp công, góp của thực hiện hiệu quả 19 tiêu chí của chương trình đề ra.

Những tấm gương sáng đó đã cổ vũ, khuyến khích nhiều bà con DTTS khác cùng vào cuộc để đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới về đích đúng lộ trình.

Từ đó, có thể khẳng định, ở đâu, nơi nào, cán bộ, đảng viên gương mẫu thì nơi đó việc thu hút, tạo nguồn, phát triển đảng viên sẽ đạt kết quả cao hơn, tạo ra sự đoàn kết, gắn bó ngày một bền chặt hơn.

Có thể khẳng định, công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Tăng cường lực lượng nòng cốt, thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận trong đồng bào DTTS, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Chú trọng công tác tạo nguồn

Đ/c Phạm Ngọc Thanh , Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Som (Đắk Glong)

Để có được nguồn là quần chúng ưu tú là đồng bào DTTS đủ tiêu chuẩn, quy định của người đảng viên, các chi bộ, chính quyền địa phương cần khảo sát, lựa chọn, tìm những nhân tố tích cực bồi dưỡng và giao nhiệm vụ cụ thể.

Nhiệm vụ cần được giao một cách phù hợp, đúng năng lực, đúng tầm, theo cấp độ từ dễ đến khó để họ có đủ thời gian chuẩn bị và đảm nhận công việc.

Bởi ngay từ đầu giao việc dễ lại không đúng với khả năng thì sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, nếu giao việc quá khó, không làm được dẫn đến buông xuôi. Khi nguồn đã “chín” thì cần phải tiến hành các bước để kết nạp Đảng, chứ không nên kéo dài gây chán nản.

*****

Tin tưởng và giao việc cho người trẻ

Đ/c Lương Văn Kéo, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân (Krông Nô)

Để phát triển đảng viên DTTS, các chi bộ, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào hiểu vào Đảng là dựa trên tinh thần tự nguyện, ý chí phấn đấu, muốn cống hiến công sức, trí tuệ cho Đảng.

Vì vậy, nguồn cho Đảng cũng cần mở rộng, xem xét, lựa chọn những quần chúng có nhiều cố gắng trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương, tạo điều kiện tham gia phong trào để trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ và hành động.

Bí thư chi bộ là người đứng đầu thì cần phải lãnh đạo tập trung, tin tưởng và giao việc cho người trẻ cũng như mở rộng cơ chế để những người trẻ có điều kiện thể hiện khả năng, năng lực của bản thân.

*****

3 kinh nghiệm sâu sắc

Đ/c Phan Văn Hợp,TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk Song

Qua thực tiễn phát triển đảng viên nói chung, đảng viên DTTS nói riêng của huyện Đắk Song, chúng tôi rút ra được 3 bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Thứ nhất là phải chú trọng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức nhằm giữ các đối tượng thanh niên, phụ nữ.

Thứ hai là phải định hướng phát triển kinh tế để người dân yên tâm ở tại địa phương sinh sống.

Thứ ba là hệ thống chính trị phải tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân hiểu về đảng, phấn đấu vào hàng ngũ của đảng.

Phát triển Đảng là nhiệm vụ của chi bộ, tổ chức đảng, đoàn thể vì nguồn của Đảng chính là quần chúng nhân dân và từ các tổ chức mà ra.

*****

Xây dựng tấm gương, niềm tin cho quần chúng

Đ/c Trần Duy Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Phải khẳng định rằng, thời gian qua, Tỉnh ủy đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển đảng viên DTTS, xem đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao sức chiến đấu cho Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, mỗi tổ chức cơ sở đảng đã tùy vào tình hình thực tế của địa phương đề ra những giải pháp phù hợp trên cơ sở số lượng đi đôi với chất lượng.

Qua thực tế nhiều năm, tôi nhận thấy, giải pháp hữu hiệu nhất chính là xây dựng niềm tin. Ở đây có nghĩa là, cán bộ, đảng viên phải xây dựng niềm tin cho quần chúng.

Tổ chức đảng phải tạo niềm tin cho đảng viên, nhân dân. Nếu xây dựng được niềm tin thì đồng nghĩa với việc mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng sẽ là những tấm gương sáng để bà con phấn đấu học tập, noi theo, làm theo.

Đó cũng là cách để chúng ta tiếp tục củng cố niềm tin của bà con với Đảng, với tổ chức và là động lực để bà con ngày càng phấn đấu vào Đảng, đi theo Đảng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển "hạt giống đỏ" trong vùng dân tộc thiểu số (kỳ 3): Cần nhiều giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO