Tạo lực đẩy cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kỳ 1): Nghị quyết từng bước "bám rễ" vào đời sống

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 01/10/2018 09:49

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/ TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 (NQ 04), nông nghiệp Đắk Nông đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở thành một trong ba đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như mục tiêu đề ra, các cấp, ngành cần những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.

Từ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sau khi ban hành, NQ 04 đã nhanh chóng được cụ thể hóa, từng bước đi vào vào đời sống sản xuất của người dân, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Nhiều diện tích cà phê tái canh của huyện Đắk Mil đạt 5 tấn/ha.

Hiện thực hóa nghị quyết

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông những năm 2011 về trước còn nhỏ lẻ, manh mún, ứng dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, chất lượng sản phẩm kém, giá trị trên 1 ha đất canh tác thấp, NQ 04 của Tỉnh ủy ra đời chính là đường hướng quan trọng để lãnh đạo các cấp, ngành trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Chính vì vậy, ngay sau khi NQ 04 ra đời đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận lớn của toàn xã hội.  

Cùng với việc nghiêm túc phổ biến, quán triệt nghị quyết, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết bằng kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như sau khi NQ 04 ra đời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND, ngày 28/12/2011 về phát triển NNƯDCNC. Trong đó, UBND tỉnh đã xác định cụ thể các chương trình, nội dung trọng tâm, giải pháp thực hiện theo lộ trình của từng giai đoạn, từng năm gắn với việc phân công nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở này, các ngành, đoàn thể và các huyện, thị đã ban hành kế hoạch triển khai NQ 04 gắn với hỗ trợ phát triển các mô hình, công nghệ sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi các sản phẩm ưu thế, chủ lực...

Nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực NNƯDCNC, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ, kêu gọi đầu tư. Cụ thể như Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND về việc ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NNƯDCNC tỉnh Đắk Nông đến năm 2020; Quyết định số 1992/QĐ-UBND, ngày 9/12/2015 về việc ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015-2020, trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực NNƯDCNC với tổng số vốn kêu gọi khoảng 770 tỷ đồng. HĐND tỉnh cũng đã ban hành NQ số 55/2016/NQ-HĐND ngày 22/12/2016 về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông… Đây là những chính sách mở đường cho NQ 04 “bám rễ” vào cuộc sống.

Vườn cà phê của ông Võ Tá Sơn, xã Đức Mạnh, Đắk Mil thu hút nhiều hộ dân đến học tập

Ghi nhận ở nhiều địa phương

Đắk Mil là một trong những địa phương đã thực hiện khá hiệu quả NQ 04. Để kịp thời lãnh đạo, Huyện ủy Đắk Mil đã ban hành Chương trình hành động số 10/CT-HU, ngày 10/5/2011 và UBND huyện đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 11/4/2012 để triển khai NQ 04. Từ đây, Đắk Mil đã từng bước lựa chọn những cây, con chủ lực, có đặc trưng để đầu tư phát triển.

Địa phương cũng đã quan tâm triển khai tốt những chính sách nhằm thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất. Kết quả là huyện đã triển khai lập quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020; quy hoạch khu vực sản xuất cây ăn trái tập trung, khu vực sản xuất cà phê sạch.

Theo đó, khu vực sản xuất cây ăn trái hiện đang được phát triển đúng theo quy hoạch, tập trung tại các xã: Đắk Gằn, Đắk R’la, Đức Mạnh. Khu vực sản xuất cà phê sạch, cà phê có chứng nhận 4C, UTZ, Certified tại các xã: Đức Minh, Thuận An, Đắk Lao, Đức Mạnh; Khu vực sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Đắk Mil và một số khu vực ở xã Đức Minh…

Gia đình ông Đặng Văn Ngữ, xã Đức Mạnh, Đắk Mil có thu nhập ổn định từ cây thanh long ruột đỏ

Với những giải pháp trên, việc thực hiện NQ 04 trên địa bàn huyện Đắk Mil đã thu được những kết quả thiết thực. Diện tích, năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Trong đó, có thể nói NNƯDCNC đã mang lại bước chuyển về chất quan trọng đối với cây trồng chủ lực như cà phê. Nhiều diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh trên địa bàn được tái canh bằng các giống mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Song song với hoạt động đổi mới về giống, phong trào sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, liên kết bao tiêu đã hình thành ở các xã, thị trấn. Toàn huyện cũng đã có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình, với diện tích 1.410,9 ha tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade….

Theo ông Võ Tá Sơn, ở thôn Đức Thành xã Đức Mạnh (Đắk Mil) hộ dân tái canh 1 ha cà phê bằng giống TR 1 từ năm 2012 thì cà phê tái canh của gia đình đã thu bói chỉ sau hai năm trồng mới. Sự thay đổi về giống chất lượng đã cho gia đình nhiều cái lợi không chỉ về thời gian cho thu hoạch mà cả về khả năng chống chịu sâu bệnh, khô hạn, năng suất cao hơn so với giống cũ, đạt trung bình 4 tấn/ha/năm, có khi đạt 5 tấn/1 ha. Qua quá trình sản xuất theo các tiêu chuẩn thấy rằng NNƯDCNC đã tạo bước ngoặt thật sự, đem lại thu nhập cao và ổn định hơn cho gia đình.

Nếu như điển hình cho hiệu quả NNƯDCNC tại Đắk Mil là trên cây cà phê thì tại Gia Nghĩa lại được ghi nhận nhiều ở hoa, rau và cây ăn quả. Cụ thể, nếu như trước đây, việc sản xuất hoa tại phường Nghĩa Phú chỉ vài, ba hộ nhỏ lẻ, sản xuất theo vụ thì nay đã có tổ hợp tác chuyên sản xuất hoa để cung ứng ra thị trường. Diện tích sản xuất hoa từ vài sào ban đầu hiện đã tăng lên trên 2 ha. Nhiều hộ sản xuất đã đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện đại để sản xuất hoa quanh năm, tạo sản phẩm hàng hóa khá ổn định.

Công ty TNHH Bơ M'nông, xã Đắk R'Moan, TX Gia Nghĩa sản xuất bơ đạt Viet GAP

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, sau khi có NQ 04 của Tỉnh ủy thì Thị ủy Gia Nghĩa đã sớm ban hành Chương trình hành động số 10, UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 217 về đẩy mạnh phát triển NNCNC. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, chọn trồng và chăn nuôi những giống mới có giá trị kinh tế cao. Ðiều dễ nhận thấy là hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã từng bước cho nông dân, doanh nghiệp

nhìn nhận đúng hơn những tiềm năng, thế mạnh của mình, thấy rõ được xu thế chủ đạo về ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất. Đến nay, thị xã đã thành lập được các tổ hợp tác về sản xuất hoa, rau, cây ăn quả, hồ tiêu hữu cơ tại phường Nghĩa Phú, Nghĩa Trung và ở các xã Đắk Nia, Đắk R’moan.

Ông Dũng khẳng định: “Không ít trang trại, hợp tác xã trên địa bàn thị xã nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nên có mức thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đây đang là những hạt nhân lan tỏa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu. Trong đó địa phương sẽ chú trọng đẩy mạnh NNƯDCNC gắn với du lịch, phát triển đô thị”.

Trang Trại Gia Trung, xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa ứng dụng công nghệ cao để tưới nước, bón phân

Những kết quả bước đầu

Có thể nói, NQ 04 của tỉnh đã được các đồng chí lãnh đạo của trung ương, các bộ, ngành đánh giá cao. Bởi Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lựa chọn đúng khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp. Nhiều cấp, ngành có giải pháp triển khai mang tính khả thi cao. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, có được kết quả này, chứng tỏ nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mới,  từng bước chuyển từ phương thức canh tác, sản xuất truyền thống sang ứng dụng các giống cây, con mới, áp dụng quy trình, kỹ thuật canh tác hiện đại hơn.

Cùng với đó, các hoạt động về thu hút đầu tư, phát triển thị trường, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân cũng đã được đẩy mạnh. Cụ thể, từ khi NQ 04 ra đời đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 20 nhà đầu tư đến tìm hiểu đăng ký đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều đề tài khoa học liên quan đến sản xuất nông nghiệp thành công được nông dân học tập, ứng dụng hiệu quả cho đến nay. Cụ thể như đề tài về ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, chế biến cà phê theo hướng an toàn trên địa bàn huyện Đắk Mil; Đề tài về áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.  

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt từ các địa phương, sự hưởng ứng của doanh nghiệp và nông dân đã góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch. Điển hình như mục tiêu nghị quyết của tỉnh là đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành Nông, lâm nghiệp đạt 5,15% nhưng thực hiện được 7,67%; năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,99%, vượt mục tiêu đến năm 2020 (mục tiêu đạt 5%). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng từ gần 35 triệu đồng vào năm 2010 lên mức 75 triệu đồng năm 2015, vượt 25 triệu đồng/ha so với mục tiêu NQ 04. Đến năm 2017, giá trị trung bình trên 1 ha đất sản xuất của tỉnh đạt 122 triệu đồng/1 ha, vượt 42 triệu đồng/1 ha so với mục tiêu nghị quyết đề ra.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là gì?

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Mục tiêu tổng quát của NQ 04

“Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực và vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "NQ 04 đã tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của cả cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh về NNƯDCNC. Ngành Nông nghiệp Đắk Nông phát triển theo chiều sâu, chất lượng cao hơn. Nếu như trước đây, việc liên kết, hợp tác còn chưa được coi trọng đúng mức thì nay, đại bộ phận nông dân đã nhận thức được tất yếu của liên kết để sản xuất bền vững. Trong đó, toàn tỉnh đã hình thành được nhiều chuỗi liên kết theo giá trị như hồ tiêu ở Đắk Song, Đắk R’lấp; rau, trái cây ở Gia Nghĩa; cà phê ở Đắk Mil; lúa, ngô ở Krông Nô...".

>>Kỳ  2: Cần cú “hích” mạnh hơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lực đẩy cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kỳ 1): Nghị quyết từng bước "bám rễ" vào đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO