Tạo lực đẩy cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kỳ cuối): Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một mũi đột phá

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 03/10/2018 09:12

Trong điều kiện của một tỉnh nghèo, nguồn vốn hỗ trợ hạn hẹp, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nên đi theo hai hướng song song từ khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đến việc tăng cao hàm lượng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đại trà.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vẫn chưa là hạt nhân lan tỏa công nghệ

Động lực mới

Có thể nói, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của khu, vùng NNCNC, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng vùng NNƯDCNC. Để đánh giá hiệu quả của Khu NNƯDCNC, năm 2017, tỉnh đã tổ chức hội đồng gồm các sở, ngành để kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các dự án đầu tư trong Khu NNƯDCNC của tỉnh tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Theo đó, trong số 9 dự án đầu tư tại đây thì hội đồng đã thu hồi 2 dự án hiệu quả không cao của hai đơn vị là Công ty TNHH Giao nhận Thương mại, dịch vụ Thiên Hồng và Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Lộc Phát AGRI với tổng diện tích đất thu hồi trên 16 ha.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua Đề án Quy hoạch vùng NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Hai đề án này cùng với những cơ chế, chính sách khuyến khích đi kèm đang được tỉnh kỳ vọng sẽ "tiếp sức" cho NQ 04, tạo bước đột phá trong phát triển ngành Nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2017-2020, tỉnh sẽ hình thành 3 vùng  NNƯDCNC gắn với 3 thế mạnh gồm: Vùng sản xuất cà phê ở Đắk Mil, vùng sản xuất hồ tiêu ở Đắk Song và vùng sản xuất cây ăn quả tại thị xã Gia Nghĩa. Cùng với đó, tỉnh thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển NNƯDCNC, mang tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vẫn chưa là hạt nhân lan tỏa công nghệ

Phát huy vai trò hai chủ thể chính

Trong phát triển NNƯDCNC, vai trò tiên phong của doanh nghiệp và vai trò chủ thể của nông dân là rất quan trọng. Trong đó, nông dân là lực lượng quyết định đến chương trình phát triển NNƯDCNC. Vì trên thực tế, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện để đầu tư triển khai các dự án thông qua các mô hình, sau thành công sẽ nhân rộng áp dụng rộng rãi ra thực tiễn. Còn người dân là những người có tư liệu sản xuất là ruộng, vườn, rẫy, có kinh nghiệm, công sức để triển khai các kiến thức khoa học kỹ thuật vào quá trình nâng cao chất lượng nông sản. Trong khi đó, nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ nếu nông dân, doanh nghiệp gặp khó về vốn, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, định hướng sản xuất, giống cây trồng...

Những năm gần đây, Đắk Nông cũng đã ghi nhận những thành quả bước đầu trong gia tăng giá trị nông sản chủ lực với sự tham gia của một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Cụ thể như tại Cư Jút, Công ty Sữa đậu nành Vinasoy đã liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 200 ha đậu nành. Các hộ dân trồng giống đậu nành của Vinasoy được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 2.000 đồng/kg trở lên.

Tại Đắk Song - vựa hồ tiêu của tỉnh với tổng diện tích hiện đạt khoảng 14.000 ha, hai năm nay cũng đã chứng kiến sự có mặt của một nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu của Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao (SAM Agritech). Đối với cây cà phê, nhiều doanh nghiệp rang, xay cà phê lớn trong nước như: Công ty TNHH Netslé Việt Nam, Neuman gruppe Việt Nam, Olam Việt Nam cũng đã liên kết, hợp tác với nông dân trên địa bàn nhiều năm nay.

Mới đây, qua các chuỗi sự kiện của Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bơ trong nước, quốc tế cũng đã kí các biên bản hợp tác với cơ quan chuyên môn của tỉnh liên quan đến phát triển, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Việc phát triển NNƯDCNC theo chuỗi giá trị mang tính riêng, cạnh tranh cao đã được tỉnh quan tâm nhiều hơn.

Đại diện các bên gồm Công ty SAM Agritech, Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand đã kí bản thỏa thuận dịch vụ sản xuất bơ tại tỉnh Đắk Nông

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Để từng bước khắc phục tình trạng chững lại trong triển khai NQ 04 thì việc phát triển NNƯDCNC phải lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn, kinh tế hợp tác xã làm động lực then chốt, người dân là vệ tinh để gia tăng mối liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Tỉnh cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này bằng việc đẩy mạnh khởi nghiệp khu vực nông thôn, nhất là các sáng kiến khởi nghiệp từ NNƯDCNC. Có như vậy NNƯDCNC mới thực sự trở thành mũi nhọn đột phá trong phát triển của Đắk Nông. 

Tăng cường chuyển giao các kỹ thuật mới

Tiến sĩ Trương Hồng,Quyền Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên

Những  năm gần đây, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Nông đã có những sự hợp tác sâu, rộng hơn. Chúng tôi sẽ tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học mới đến nông dân của tỉnh qua các mô hình, hội thảo, tập huấn, nhất là đối với các loại cây chủ lực của tỉnh là cà phê, hồ tiêu. Mục tiêu mà Viện hướng tới đó là nông dân trong tỉnh sản xuất được những sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Giữ và phát triển nhãn hiệu nông sản thành thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa

Để NNƯDCNC phát triển thì vấn đề xây dựng, phát triển nhãn hiệu sản phẩm trong tiêu thụ đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế qua nhiều năm, một số nhãn hiệu, chứng nhận sản xuất tốt được cấp cho nông dân, cho tổ hợp tác, hợp tác xã rồi bị bỏ lửng, làm mất đi giá trị, hoặc bị tước chứng nhận nên rất phí công sức, tiền của. Do đó, vấn đề giữ và phát triển nhãn hiệu nông sản thành thương hiệu quốc gia, quốc tế gắn với chỉ dẫn địa lý đang là vấn đề cần được quan tâm.

Hỗ trợ nông dân nhiều hơn trong ứng dụng công nghệ cao

Bà Võ Hạnh Vinh, thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Gia đình tôi hiện có 12 ha đất trồng cây ăn trái, có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng vay vốn rất khó, hồ sơ thủ tục nhiều. Khi cây phát triển thì gặp điều kiện thay đổi thời tiết là phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ đậu quả thấp, rụng quả. Do đó, tôi mong được nhà nước hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nhiều hơn để giảm bớt rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lực đẩy cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kỳ cuối): Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một mũi đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO