Đời sống văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới

Thanh Nga| 24/10/2016 10:55

Xây dựng nông thôn mới (NTM) nói chung, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi lẽ, đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên thì sẽ góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM.

ADQuảng cáo

Thể thao là một trong những hoạt động thu hút giới trẻ tham gia. (Trong ảnh: Trận chung kết bóng chuyền nữ giữa đội phường Nghĩa Trung và phường Nghĩa Tân). Ảnh: Quang Vũ

Thiết thực các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và được các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Tỉnh Đắk Nông đã phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình, thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Từ phong trào, các cấp, các ngành, địa phương và gia đình đã đẩy mạnh công tác phòng chống các tệ nạn xã hội.

Nhiều địa phương huy động nhân dân xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm và giữ gìn xanh, sạch, đẹp, cảnh quan môi trường văn minh, trong đó các huyện Đắk Mil, Đắk R'lấp và thị xã Gia Nghĩa triển khai thực hiện tốt.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tình làng nghĩa xóm, tương trợ cộng đồng được củng cố, văn hóa tinh thần được nâng cao, bồi dưỡng nhân cách con người, giảm thiểu tệ nạn xã hội; phong trào xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng.

Qua phong trào này, chất lượng các thôn được công nhận danh hiệu văn hóa đã bảo đảm được các tiêu chí về xây dựng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao về đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, toàn tỉnh có 274 câu lạc bộ như gia đình văn hóa, không sinh con thứ 3, gia đình phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo. Toàn tỉnh có 84 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 60 tổ hòa giải và 35 câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”. Năm 2015, toàn tỉnh có 95.849/128.706 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 74%; có 540/786 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

ADQuảng cáo

Hiện nay toàn tỉnh có 12/71 xã đạt danh hiệu xã nông thôn mới. Hiện nay, các huyện, thị xã tiếp tục phát động, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương đăng ký xây dựng, duy trì xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Xây dựng cơ sở vật chất văn hóa gắn với xây dựng NTM

Thực tế cho thấy, các cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng từ cấp thôn, xã, huyện đến cấp tỉnh và đưa vào hoạt động đã góp phần đắc lực trong xây dựng NTM.

Qua 5 năm phát động Chương trình xây dựng NTM, đến nay tỉnh đã có 4 thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Trung tâm văn hóa tỉnh và Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Nhà Văn hóa lao động, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.

Các huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk Song, Đắk Mil, Đắk Glong đã xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao và đưa vào hoạt động có hiệu quả. Toàn tỉnh có 19/61 xã có trung tâm văn hóa-khu thể thao xã và tương đương. Đa số trung tâm văn hóa-khu thể thao xã đều xây mới nên đạt chuẩn về diện tích.

Hiện 15/19 nhà văn hóa xã có diện tích từ 200m2 trở lên. Các xã có hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân thể thao và các công trình phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động văn hóa ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 537/786 nhà văn hóa-khu thể thao thôn, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân địa phương. Các địa phương khai thác có hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa, thể thao, thu hút ngày càng nhiều giới trẻ vào sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tạo môi trường văn hóa, văn minh, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn là nơi để các đoàn thể tổ chức hội họp, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, làm kinh tế… cho nhân dân địa phương.

Với phương châm “người dân làm, nhà nước hỗ trợ”, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư để xây dựng trung tâm văn hóa-khu thể thao xã, nhà văn hóa-khu thể thao thôn. Cơ sở vật chất văn hóa đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy tinh thần hăng say lao động sáng tạo, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trách nhiệm công dân của các tầng lớp nhân dân tại địa phương.

Với kết quả trên, việc đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong giai đoạn phát triển và hội nhập cũng là mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông phấn đấu, hơn nữa, gắn với Chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đời sống văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO