Nhận thức đúng về đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

Hông Thoan| 13/04/2016 09:51

Đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM ) là một chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Đắk Nông nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành đối với việc giúp các xã hoàn thành các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, đến nay, không ít cơ quan, đơn vị vẫn chưa vào cuộc hoặc hỗ trợ chưa hiệu quả do còn nhận thức chưa đầy đủ.

ADQuảng cáo

Kết quả tích cực ở một số địa phương

Xã Đắk N’Drung (Đắk Song) đã nhận được sự đỡ đầu, hỗ trợ của Chi cục Thú y tỉnh từ năm 2014. Tuy mới 2 năm nhưng xã đã đánh giá rất cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của đơn vị trong một số lĩnh vực cụ thể, nhất là về tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường...

Anh Điểu Quynh, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Chi cục Thú y hướng dẫn cách xây dựng phong trào thanh niên bảo vệ môi trường, lập thân lập nghiệp”.

Được tư vấn về chăn nuôi, bà Lãnh Thị Như ở bon Đắk R’mo, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) mỗi năm thu về khoảng 30 triệu đồng từ việc bán bê

Còn theo bà Lãnh Thị Như ở bon Đắk R’mo thì cho biết: Trước đây, gia đình tôi phát triển chăn nuôi bò nhưng hiệu quả chưa cao. Từ hai năm nay, khi được tham gia các lớp tập huấn của Chi cục Thú y tỉnh về chăn nuôi an toàn, việc chăn nuôi phát triển hơn. Bò của gia đình ít bị bệnh, chóng lớn. Qua tập huấn, tôi biết cùng với giống tốt thì vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn bò vô cùng quan trọng. Do đó, tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho bò ăn thêm cỏ, uống nước sạch thêm tý muối. Hàng năm, gia đình cũng luôn thu về khoảng 30 triệu đồng từ việc bán bê.

Bà Trần Thị Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drung cho biết thêm: “Để có được sự hỗ trợ hiệu quả, Chi cục Thú y và UBND xã đã có những buổi làm việc, bàn bạc xem nội dung nào xã cần, cái gì là thế mạnh của đơn vị đỡ đầu. Qua đó, hai bên thống nhất nội dung đỡ đầu, hỗ trợ cụ thể”.

Đập và kênh mương trên địa bàn xã Đắk Môl (Đắk Song) đang được xây dựng để phục vụ sản xuất. Ảnh: Hồ Mai

Tại xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) cũng đã nhận được khá nhiều sự đỡ đầu, hỗ trợ hiệu quả từ các đơn vị khác nhau. Điển hình như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT  tỉnh Đắk Nông hỗ trợ xây dựng Trường mầm non Hoa Phượng, tặng 10 giàn máy vi tính; Trường THPT Nguyễn Tất Thành hỗ trợ xã tuyên truyền về xây dựng NTM, huy động học sinh tham gia tổng vệ sinh các tuyến đường gắn với việc thực hiện tiêu chí môi trường.

ADQuảng cáo

Còn ở xã Đức Xuyên (Krông Nô), các cơ  quan, đơn vị gồm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Đức Lập đã hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị, xã hội, củng cố tổ chức đảng vững mạnh. Bên cạnh đó, các hoạt động về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh quốc phòng... cũng được các đơn vị hỗ trợ cho xã.

Đánh giá về công tác này, ông Phan Văn Sinh, Phó chánh Văn phòng chuyên trách xây dựng NTM tỉnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 114/154 đơn vị đã có các hoạt động đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng NTM. Nhiều đơn vị đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả bằng các hình thức khác nhau như bằng tiền, hiện vật, tuyên truyền, tập huấn. Riêng số tiền mà các đơn vị đỡ đầu, hỗ trợ cho các xã đạt trên 45,7 tỷ đồng. Đây thật sự là một động lực to lớn cho các xã trong việc hoàn thành các tiêu chí cụ thể của mình.

Nhận thức còn chưa đầy đủ

Cũng theo ông Phan Văn Sinh, đến nay nhiều đơn vị chưa triển khai bất cứ hoạt động nào để hỗ trợ, đỡ đầu các xã xây dựng NTM. Không ít đơn vị đỡ đầu vẫn nghĩ, đỡ đầu cần phải có tiền, không có tiền thì họ sẽ không làm được. Nhưng đó là một nhận thức chưa đầy đủ lắm, bởi vì ý tưởng trong sáng kiến về giải pháp đỡ đầu ở đây không phải là tất cả các sở, ban, ngành phải hỗ trợ kinh phí cho các xã để xây dựng các công trình lớn, mà ở đây, tỉnh muốn nhấn mạnh về cách làm, sự chung tay giúp đỡ bằng nhiều hình thức, biện pháp khác về cả tinh thần, vật chất.

Cụ thể, các sở, ban, ngành có thể định hướng, tư vấn, tức là bày cách làm cho các xã thực hiện các tiêu chí liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình chứ không phải lúc nào phải có tiền mới đem xuống cho các xã thì mới gọi là hỗ trợ. Về phía xã thì hiện nay, một số địa phương sau khi thấy có quyết định của UBND tỉnh về phân công hỗ trợ cứ tưởng  các đơn vị đỡ đầu họ sẽ có những vật chất lớn lao để hỗ trợ cho mình.

Xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) chưa hoàn thành tiêu chí về trường học

Thư viện tỉnh được giao nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) nhưng đến nay, đơn vị chưa tiến hành bất cứ hoạt động nào.

Bà Đặng Thị Mơ, Giám đốc Thư viện tỉnh lý giải: “Trước khi nhận việc đỡ đầu cho xã Đắk Sin, tôi có đề xuất với bên Ban Chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới tỉnh về nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này nhưng vẫn chưa thấy có sự hỗ trợ lại cho đơn vị. Thật ra để xây dựng được phòng đọc sách cho xã Đắk Sin, chúng tôi cần phải có nguồn kinh phí xây dựng ngay từ ban đầu. Thứ nhất là về bàn ghế, thứ hai về giá, thứ ba là nguồn vốn tài liệu. Tất cả những vấn đề này cần phải có kinh phí nhưng thư viện chúng tôi rất khó khăn với vấn đề này, chưa có kinh phí để bổ sung tài liệu cho Thư viện tỉnh thì không thể có kinh phí để bổ sung hỗ trợ cho các điểm xã để xây dựng NTM”.

Tháng 11/2015, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình NTM. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29,5%; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên và có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của các xã thì sự đỡ đầu, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị là rất cần thiết. Nhưng để hỗ trợ được hiệu quả thì trước tiên, các cơ quan nhận hỗ trợ và xã được hỗ trợ phải hiểu đúng về bản chất, ý nghĩa của việc đỡ đầu, hỗ trợ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng về đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO