Thực hiện Chương trình giao thông nông thôn: Chưa đạt mục tiêu "Nhà nước và nhân dân cùng làm"

Hà An| 01/12/2016 09:24

Ngày 31/5/2012, HĐND tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã ban hành Nghị quyết số 10/2012/NQ-HĐND về quy định cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn trên địa bàn Đắk Nông giai đoạn 2012 - 2015 (Nghị quyết 10).

ADQuảng cáo

Đây được xem là nghị quyết “cởi trói” về cơ chế trong thanh, quyết toán, huy động nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tuy nhiên, kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 tại các địa phương mới đây của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện xem ra còn nhiều bất cập, chưa đạt mục tiêu, phương châm đề ra.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát đường giao thông nông thôn tại xã Đắk N'drót (Đắk Mil)

Đơn cử, trong giai đoạn 2012 - 2015, xã Đắk N’drót (Đắk Mil) đã xây dựng được 3 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 4,6 km; tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 7,1 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp là hơn 2,98 tỷ đồng (tỷ lệ vốn nhà nước 75% và nhân dân đóng góp 25%). 

Đến nay, các tuyến đường đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn hơn 400 triệu đồng trong nhân dân chưa thể thu hồi để quyết toán cho đơn vị thi công dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài.

Chưa kể đến, qua giám sát thực tế cho thấy, trong 3 công trình giao thông mà xã Đắk N’drót đã triển khai đều có thiết kế như nhau về kết cấu mặt cắt, độ dày và chiều dài nhưng giá trị mỗi công trình lại chênh lệch nhau khá lớn. Bên cạnh đó, trong hồ sơ thiết kế các công trình chiều rộng đường đều 3m, độ dày 20cm nhưng có công trình chiều rộng chỉ khoảng 2,5m và độ dày không đều nhau, bình quân chỉ đạt khoảng hơn 15cm.

Nhiều ý kiến còn cho rằng với hơn 10 tỷ đồng để thi công hơn 4,6 km đường giao thông bê tông nông thôn là giá thành quá cao (bình quân mỗi km có giá hơn 2,2 tỷ đồng). Giá thành cao ở đây do địa phương đã chọn hình thức triển khai bằng việc thuê trọn gói từ tư vấn thiết kế đến thi công…

ADQuảng cáo

Trong khi đó, Nghị quyết 10 đã mở ra hướng là nhân dân tự đóng góp ngày công để tham gia thi công công trình nhằm hạ giá thành dự án. Bởi vì, trong quy định hiện nay thì viêc thi công đường giao thông nông thôn chỉ cần một thiết kế mẫu do phòng kinh tế - hạ tầng của huyện cung cấp là đủ điều kiện, không nhất thiết phải thuê tư vấn thiết kế độc lập làm tăng thêm khoảng 10% chi phí dự án.

Một nghịch lý là mặc dù phía nhân dân đang nợ tiền đơn vị thi công nhưng UBND xã Đắk N’drót lại cho biết các nhà thầu đã “biếu” lại địa phương gần 1 tỷ đồng để đưa vào nguồn vốn huy động khác. Từ đây đặt ra câu hỏi là liệu giá trị thực tế các tuyến đường sau khi thi công là bao nhiêu?

Không chỉ xã Đắk N’drót mà qua giám sát các địa phương khác trong tỉnh cho thấy, do cơ cấu tỷ lệ vốn của nhà nước khá lớn, 65% ở vùng có điều kiện phát triển bình thường và 75% ở vùng khó khăn nên để có dự án, chỉ cần có vốn phân bổ, các nhà thầu “đua nhau” triển khai vì theo họ, chỉ cần có mặt bằng và phần vốn nhà nước là sẵn sàng đứng ra nhận thi công, thậm chí phần người dân đóng góp chỉ thu cho có lệ còn làm bằng cách nào là tùy nhà thầu. Từ đây dẫn đến tình trạng, một số tuyến đường thi công chỉ phục vụ cho một số hộ dân, còn lại chủ yếu đi qua nương rẫy.

Một số dự án triển khai không thông qua họp dân hoặc có họp cũng theo kiểu cho có lệ còn làm gì mặc kệ nhà thầu. Việc thành lập ra ban giám sát cộng đồng cũng theo kiểu cho đủ bộ phận chứ vai trò trong giám sát, kiến nghị, đề xuất hầu như không có.

Được biết, trong năm 2016, nguồn vốn vay cho chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn là không có bởi chúng ta đã vay vượt quá mức trần cho phép theo luật Ngân sách. Vì thế, tỉnh chỉ ưu tiên cân đối nguồn để thanh toán, quyết toán nợ cho các công trình đã hoàn thành khối lượng mà chưa được bố trí vốn, còn những dự án đã huy động đóng góp của nhân dân thì không thể bố trí vốn để thực hiện.

Cũng theo tinh thần chung, trong thời gian tới, việc xây dựng giao thông nông thôn chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực trong nhân dân, nhà nước hỗ trợ vật liệu để người dân tự xây dựng nhằm hạ giá thành, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và ý thức quản lý bảo vệ trong nhân dân. Vì vậy, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quy tụ sức mạnh đoàn kết trong nhân dân để triển khai thực hiện góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trên lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh đã xây dựng được 645,617 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư là 808,292 tỷ đồng. Theo tinh thần chung thì nguồn vốn nhà nước chỉ mang tính chất là “vốn mồi”, còn chủ yếu vẫn huy động sức dân trong xây dựng công trình.

Tuy nhiên, qua triển khai của các địa phương, việc trông chờ, ỷ lại nguồn vốn nhà nước vẫn còn khá phổ biến. Nguồn lực đóng góp trong nhân dân là chưa nhiều. Trong khi, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở lĩnh vực này vẫn diễn ra, trong đó nhiều nhất là huyện Đắk Mil với khoảng hơn 11 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình giao thông nông thôn: Chưa đạt mục tiêu "Nhà nước và nhân dân cùng làm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO