Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Phát huy sức mạnh, đồng thuận trong nhân dân

Thanh Nga| 20/03/2017 10:25

Một trong những thành công của nhiều địa phương trong việc xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) đó là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nên đã phát huy sức mạnh, sự đồng thuận trong nhân dân.

ADQuảng cáo

Người dân xã Nâm N’đir (Krông Nô) chủ động đầu tư máy bơm nước công suất lớn để lấy nước từ sông Sêrêpốk phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Y Krắk

Năm 2016, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) đã tập trung huy động đóng góp của nhân dân và làm được 20 km đường cấp phối với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Điều đáng quý là toàn bộ đất đai làm đường đều do nhân dân hiến tặng, trong đó có nhiều gia đình đang trồng các cây công nghiệp giá trị như cà phê, hồ tiêu, điều…

Đắk Ru có được điều này là do công tác tổ chức làm đường được thực hiện một cách dân chủ. Chủ trương làm đường của xã được phổ biến đến từng cán bộ cấp thôn và từ đó tuyên truyền, vận động từng người dân. Trong các quá trình từ khâu thiết kế cho đến kinh phí, tổ chức làm đều được các thôn họp dân và lấy ý kiến, bàn bạc để đi đến thống nhất. Trong quá trình thi công, người dân vừa trực tiếp thuê máy móc, đứng ra làm và giám sát chặt chẽ nên đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Thành Nên, Chủ tịch UBND xã Đắk Ru cho biết: “Thành công của xã trong việc huy động người dân làm đường nông thôn chủ yếu nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Những năm qua, xã và các thôn đều tổ chức họp dân để tuyên truyền, giải thích về vấn đề xây dựng NTM. Lúc đầu  thì dân có e dè, nhưng sau đó làm tốt công tác vận động và dân thấy các thôn khác cũng làm, nên phong trào được nhân rộng ra. Như năm 2016, trong số 20 km đường cấp phối hầu hết các thôn tự huy động kinh phí, một số thôn khó khăn lắm thì xã mới hỗ trợ ít nhiều. Mình làm cho dân hiểu được vấn đề xây dựng NTM thì nhân dân chính là chủ thể và thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì vấn đề được dân quyết định rất nhanh và triển khai thực hiện tốt”.

Cứ như thế, phong trào làm đường được bắt đầu từ thôn Tân Tiến, sau đó nhân rộng ra các thôn Tân Lập, Tân Phú, Đoàn Kết và 6, 8. Ngoài làm đường, trong năm vừa qua, nhân dân xã Đắk Ru còn đóng góp kinh phí làm hơn 2 km điện chiếu sáng ở các thôn Tân Tiến, Tân Phú, Châu Thành và 10 km mương thoát nước. Nhờ huy động tốt sức dân mà hiện nay xã Đắk Ru đã đạt 11 tiêu chí về xây dựng NTM.

ADQuảng cáo

Trong năm qua, huyện Đắk R’lấp huy động nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng và 3.000 ngày công làm mới, sửa chữa 26 đường giao thông liên thôn; sửa chữa bảo dưỡng hơn 20 km kênh mương; làm mới và sửa chữa 17 cầu, cống nhằm bảo đảm giao thông đi lại và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều tuyến đường mới xây dựng ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) do đồng bào hiến đất

Ở huyện Tuy Đức, nhân dân xã Quảng Tâm và Đắk Ngo đóng góp 240 triệu đồng và hàng trăm ngày công xây dựng hội trường thôn. Xã Đắk Búk So vận động nhân dân các thôn 5, 8 cùng góp sức làm đường giao thông nông thôn với kinh phí trên 4,7 tỷ đồng; trong đó người dân đóng góp 35%.

Thị xã Gia Nghĩa huy động nhân dân đóng góp trên 1,8 tỷ đồng và hơn 3.760 ngày công làm mới trên 45 km đường giao thông nông thôn. Đắk Glong huy động nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng và hơn 7.800 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa hơn 30 km đường  giao thông nông thôn, 2,5 km kênh mương....

Thành công từ sự đóng góp của nhân dân ở các địa phương trong xây dựng NTM cho thấy, mỗi khi Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt thì đều được nhân dân đồng thuận và tích cực tham gia. Khi nhân dân được họp bàn, tham gia xây dựng phương án, kế hoạch và công khai các nội dung thì sẵn sàng đóng góp, tích cực tham gia, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Phát huy sức mạnh, đồng thuận trong nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO