Xây dựng nông thôn mới: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được chú trọng

Hồng Thoan| 18/10/2016 09:35

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng đầu năm nay, các xã đã chú trọng thực hiện công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là kết quả có tính động lực, tiền đề trong quá trình thực hiện các tiêu chí khác về xây dựng NTM trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil) có 300 ha trồng xoài trái vụ với các giống xoài Đài Loan, xoài Thái, 3 mùa... đã trở thành thương hiệu của địa phương. Ảnh: Hồ Mai

Trước hết, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã được người dân chú trọng triển khai và đã đem lại những kết quả tích cực. Người dân đã sử dụng các giống mới, áp dụng quy trình chăm sóc khoa học hơn đã tạo ra giá trị kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích.

Gia đình bà Nguyễn Thị Châu ở thôn 8 A, xã Đắk Lao (Đắk Mil) có 1 ha đất trồng màu. Vụ hè thu này, gia đình bà trồng ngô bằng các giống mới như: LVN 99, LVN 10. Hiện nay, ngô đã cho thu hoạch đạt năng suất 10 tấn/ha. Theo bà Châu thì có được mức năng suất như thế chủ yếu là nhờ việc bà sử dụng giống mới với ưu điểm là năng suất cao, kháng bệnh tốt.

Ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết: Hiện nay, xã đã đạt 11 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí so với năm 2015; trong đó có thể nói các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân như thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất đều được “nâng tầm” nhờ việc nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất. Đây đang là động lực lớn cho địa phương trong việc huy động sức dân để từng bước hoàn thiện các tiêu chí cần nhiều vốn như giao thông, thủy lợi.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay bằng các kênh vốn khác nhau, các địa phương đã chú trọng việc chuyển giao, phổ biến khoa học kỹ thuật tới người dân. Trong đó, các địa phương đã chú ý gắn đào tạo nghề và xây dựng các mô hình và nhân rộng. Theo đó, toàn tỉnh đã có gần 3.000 lượt người được đào tạo các nghề khác nhau về trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí...

Liên kết, hợp tác để sản xuất bền vững qua đó tạo nguồn thu nhập cao hơn và ổn định cũng là một xu thế đang được các địa phương, người dân chú trọng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, tính đến nay, toàn tỉnh có 81 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; trong đó có 37 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 44 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp như: Giao thông vận tải, dịch vụ điện, vệ sinh môi trường... Toàn tỉnh có 179 tổ hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có 3 tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia đình ông Điểu Phi Ong ở bon Diêng Ngaih, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên nhờ mô hình kinh tế đa cây. Ảnh:  Hồ Mai

Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh thì việc có thêm nhiều xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất đã cho thấy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc giúp người dân nâng cao thu nhập một cách lâu dài. Người dân ngày càng nhận thức cao hơn về sự liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh để có thể phát triển, trụ vững trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một động lực vững chắc để các xã có thể huy động tốt sức dân vào các tiêu chí cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới toàn diện hơn.

Toàn tỉnh đã có 36/61 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 28/61 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 61/61 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tăng 1 xã và 45/61 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, tăng 7 xã so với năm 2015.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được chú trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO