Bén duyên với mãng cầu xiêm

Lê Dung| 20/01/2020 10:43

Với thành công bước đầu của sản phẩm trà mãng cầu xiêm của Lê Thị Ly Na, cùng với sự tâm huyết và hướng đi cụ thể trong thời gian tới, hy vọng sản phẩm sẽ bay xa ra thỊ trường trong và ngoài nước.

ADQuảng cáo

Thất bại không nản

Từ một người khá xa lạ với các sản phẩm từ trà, nhưng nhờ cái “duyên” khá tình cờ sau một lần xuất ngoại đã giúp bạn Lê Thị Ly Na, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) nung nấu ý tưởng khởi nghiệp với trà mãng cầu xiêm.

Công đoạn tao trà sau khi ủ men

Ly Na nhận thấy rằng, trà mãng cầu xiêm không chỉ là một sản phẩm mang tính nhân văn, hướng tới sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tạo tiền đề cho người dân xây dựng các mô hình khép kín, liên kết hộ gia đình trồng và sản xuất trái mãng cầu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nghĩ là làm, Ly Na đã xây dựng cơ sở chế biến trà mãng cầu xiêm tại phường Nghĩa Đức để khởi nghiệp. Những ngày đầu làm trà khá chật vật, thất bại nhiều lần. Trong đó, nhiều mẻ trà đã không ra mùi, thậm chí không ra vị. Rồi đến khâu chọn nguyên liệu không chuẩn đã khiến chất lượng trà bị “bể” liên tục. Do chọn trái chín quá, vị trà thường bị chua. Quả xanh quá lại không ra đúng mùi vị. Rồi tới cách thức sao, sấy, diệt men trà làm sao để khi ra thị trường, người tiêu dùng có thể sử dụng được tốt nhất, mà không cần đến một chất bảo quản nào…

Bí quyết giữ vị riêng

Ly Na cho biết: Trong quy trình làm trà của cơ sở có tới 8-9 công đoạn. Trong tất cả các công đoạn đó thì việc ủ trà là khâu quan trọng nhất. Tức là ủ làm sao để không chỉ ra được vị trà, mà còn giữ nguyên hương vị của trái cây này. Và điều quan trọng nữa đó là khâu diệt men trà. Bởi, khi trà không được ủ kỹ, không được diệt men thì khi đưa ra thị trường nó sẽ nhanh bị ẩm mốc, mùi vị thay đổi do không sử dụng chất bảo quản. Với giải pháp này, Trà Mãng cầu xiêm sẽ được thực hiện ủ làm 2 lần; trong đó, một lần sau khi sấy xong và một lần nữa là khi tao xong trà rồi mới đưa sản phẩm ra đóng gói và hút chân không. Bí quyết ủ men này có được là nhờ Ly Na nghiên cứu và vận dụng khéo léo theo cách của người M’nông, Ê đê khi ủ tất cả các sản phẩm của mình vào chum, ché…

ADQuảng cáo

Nhờ đó, đến nay, mỗi tháng, Trà Mãng cầu xiêm của cơ sở cung ứng cho thị trường từ 3-4 tạ sản phẩm. Sản phẩm cũng đang có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố như: Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk…

Bao bì sản phẩm cũng được cơ sở chú trọng về khâu thiết kế

Kỳ vọng sản phẩm bay xa

Trong chiến lược kinh doanh của cơ sở, đến năm 2021- 2025, ngoài thị trường trong nước, sản phẩm Trà Mãng cầu xiêm sẽ được hoàn thiện, đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường các nước châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Hiện tại, sản phẩm hiện đang được đóng gói theo quy cách 100 gram và 200 gram để phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng và phân khúc thị trường. Giá thành của 100 gram trà dao động vào khoảng 90.000-95.000 đồng. Ly Na chia sẻ thêm: Sắp tới, cơ sở sẽ đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Theo đó, ngoài Trà Mãng cầu hiện tại, cơ sở sẽ làm thêm trà túi lọc để tiện dụng hơn khi sử dụng. Ngoài những trái chọn làm trà xong, những trái chín sẽ được sấy làm sinh tố khô. Khi sử dụng chỉ cần bỏ 1 viên là sẽ có ly sinh tố, không cần phải sử dụng đến công đoạn xay nữa. Thêm một sản phẩm nữa cho thị trường, đó là mứt mãng cầu sấy dẻo. Cùng với đó, cơ sở cũng xây dựng chiến lược kinh doanh dài hơi. Đó là sẽ đưa sản phẩm ra các kênh offline như hệ thống cửa hàng siêu thị trong và ngoài tỉnh, hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu của trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức… Ngoài ra, cơ sở sẽ giới thiệu sản phẩm trên các trang web, trang mạng xã hội và xây dựng một trang website và Fan Page riêng cho sản phẩm Trà mãng cầu thương hiệu “Anna Food”.

Để làm được những điều đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu cũng được đơn vị triển khai thực hiện chặt chẽ. Do số lượng sản xuất còn chưa nhiều nên nguồn nguyên liệu hiện đang được cơ sở liên kết với các hộ gia đình ở xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa), Đắk Ha (Đắk Glong). Trong đó, cơ sở thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con, với điều kiện các hộ gia đình làm theo các quy trình hữu cơ, với giá thu mua gấp đôi, gấp ba so với giá thị trường (giá thị trường khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg). Thời gian tới, cơ sở sẽ đẩy mạnh việc liên kết với hộ gia đình có đất sản xuất những cây mãng cầu này. Thông qua đó sẽ hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, về giống, phân bón, việc thu hái, bảo quản…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bén duyên với mãng cầu xiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO