Công nghiệp bô xít - alumin – nhôm mở ra cơ hội đột phá

Lê Dung| 20/01/2020 11:53

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp) sau hơn 2 năm đi vào vận hành chính thức công suất hoạt động đã vượt kế hoạch đề ra. Đây được xem là cơ sở quan trọng để hướng tới việc nâng công suất, mở rộng nhà máy cũng như định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít về lâu dài, tạo ra đột phá cho ngành công nghiệp Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Vượt công suất 30.000 tấn alumin

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV cho biết: Để đạt được kết quả này, thời gian qua, đơn vị luôn tập trung thực hiện áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ để tăng năng suất, giảm tiêu hao vật tư, nguyên liệu. Trong đó, hàng tuần, hàng tháng, công ty tổ chức rà soát, đánh giá và tìm giải pháp xử lý các khó khăn trong quản lý và sản xuất. Tại các phòng chuyên môn, định kỳ có các đánh giá về sản lượng, kỹ thuật, tiêu hao đến các phân xưởng sản xuất, nhằm ổn định chỉ tiêu công nghệ. Đơn vị cũng thường xuyên bám sát các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ tại các công đoạn để xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý.

Vận chuyển sản phẩm alumin sau đóng gói về khu vực tập kết xuất khẩu

Trong năm qua, các chỉ tiêu tiêu hao chính đều thấp hơn hoặc tương đương so với kế hoạch. Trong đó, tiêu hao than cám giảm mạnh so với kế hoạch Tập đoàn TKV giao, góp phần tiết kiệm chi phí gần 21,9 tỷ đồng. Về tiêu hao than cục cũng đã giảm được 2,82 kg so với kế hoạch, giúp tiết kiệm được 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số các vật tư như: xút, chất trợ lắng, vôi sống đều thấp hơn hoặc xấp xỉ theo kế hoạch năm của đơn vị. Tổng tiết kiệm chi phí từ vật tư chính tại công ty trong năm 2019 vào khoảng trên 30 tỷ đồng.

Cùng với đó, công ty cũng luôn chú trọng tới việc tối ưu hóa vận hành dây chuyền công nghệ. Thông qua sự giám sát trong vận hành thiết bị, thông số, đơn vị đã đưa ra hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật tối ưu và phù hợp với các điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết bị, tài nguyên đang có. Bên cạnh đó, công ty còn chú trọng đến tối ưu hóa về mặt thiết bị, lưu trình, an toàn mà hoạt động sáng kiến là một trong những hoạt động góp phần tối ưu hóa hiệu quả và thiết thực. Theo đó, trong năm 2019, đơn vị đã có 20 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, với tổng giá trị làm lợi lên tới hơn 50 tỷ đồng…

Những kết quả đó trong những năm qua cũng đã minh chứng cho khả năng làm chủ công nghệ đối với ngành sản xuất alumin - một ngành công nghiệp rất mới ở Việt Nam của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV. Đây cũng là khởi đầu thuận lợi cho việc nâng công suất, mở rộng nhà máy trong thời gian tới.

Cơ hội mở rộng quy mô

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như lợi thế phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sau bô xít, alumin, nhôm, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề xuất với Chính phủ sớm xem xét cho nâng công suất cho dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Theo đó, tỉnh đề xuất nâng công suất của nhà máy từ 650.000 tấn alumin/năm lên thành 750.000 - 800.000 tấn/năm. Đây cũng là kinh nghiệm phổ biến của các nhà máy alumin trên thế giới và cũng là để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy Điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân (Đắk R’lấp) khi đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 450.000 tấn nhôm/năm sắp tới. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét và cho đầu tư thêm dây chuyền sản xuất alumin thứ 2, với công suất từ 1,2 - 1,25 triệu tấn alumin/năm.

ADQuảng cáo

Trước đó, khi thiết kế dây chuyền số 1, nhà máy đã quy hoạch quỹ đất cho dây chuyền số 2 và đầu tư một số hạng mục dùng chung cho cả 2 dây chuyền như: cấp điện, cấp nước, xử lý môi trường… Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm báo cáo Bộ Chính trị cho phép đầu tư xây dựng mới các nhà máy alumin trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025. Đặc biệt, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm cho phép Tập đoàn Việt Phương nghiên cứu khảo sát và đầu tư xây dựng Nhà máy khai thác bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm tại Mỏ bô xít 1 - 5 Quảng Sơn (Đắk Glong).

Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm quan tâm và cho bổ sung Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 (với diện tích 400 ha) vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, để địa phương có cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản khi vào đầu tư sản xuất các sản phẩm sau nhôm… Qua đó, góp phần sớm đưa Đắk Nông trở thành trung tâm luyện kim màu lớn của cả nước trong thời gian ngắn nhất.

Theo Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, trong năm 2019, đơn vị đã hoàn thành mục tiêu và đạt sản lượng 680.000 tấn alumin quy đổi, vượt 5% so với kế hoạch. Doanh thu của công ty đạt 3.100 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 401 tỷ đồng.

Bước khởi đầu cho công nghiệp hỗ trợ

Để khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế về tiềm năng bô xít hiện có và huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.

Mục tiêu được kế hoạch này hướng đến là phấn đấu trong vòng 15 - 20 năm tới, Đắk Nông sẽ trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất và luyện kim màu lớn của đất nước. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm, sản xuất các sản phẩm sau nhôm để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít trong giai đoạn này sẽ là alumin, nhôm và các sản phẩm sau nhôm.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít, phát triển một số ngành công nghiệp như: Cơ khí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các phương tiện, thiết bị vận tải; sử dụng nhôm, các hợp kim nhôm phục vụ nhu cầu về công nghiệp, xây dựng và dân dụng; xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị công nghiệp sử dụng nhôm và hợp kim nhôm; xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị phục vụ sinh hoạt sử dụng nhôm và hợp kim nhôm phục vụ đời sống; nhà máy sản xuất các sản phẩm bao bì có sử dụng nhôm…

Đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất, tỉnh ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hóa chất phục vụ cho công nghiệp bô xít, với các nhóm chủ yếu như: Nhà máy sản xuất NaOH, nhà máy sản xuất H2SO4 để trung hòa lượng xút dư và chất trợ lắng trong công nghiệp xử lý bùn đỏ. Về công nghiệp vật liệu xây dựng, địa phương cũng tập trung đẩy mạnh, nhằm góp phần xử lý hiệu quả lượng bùn đỏ của ngành công nghiệp bô xít. Trong đó, một số ngành sẽ được kêu gọi đầu tư như: Xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ; nhà máy sản xuất gạch không nung từ xỉ than, tro bay của nhà máy nhiệt điện; xây dựng nhà sản xuất gạch trang trí, gạch block, gạch bông gió từ bùn đỏ…

Về công nghiệp về môi trường, tỉnh sẽ ưu tiên chú trọng đến lĩnh vực quan trắc môi trường và phát triển các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khôi phục tài nguyên, nhằm hướng tới việc hoàn nguyên hiệu quả các vùng mỏ sau khai thác. Đặc biệt, mới đây, tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ sớm xem xét và có cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm và các sản phẩm sau nhôm trên địa bàn.

Với những kết quả đạt được và định hướng rõ ràng nêu trên, Đắk Nông đang kỳ vọng ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm sẽ góp phần tạo ra bước đột phá mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp bô xít - alumin – nhôm mở ra cơ hội đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO