Giữ hồn túy cho rượu cần truyền thống

Đức Hùng| 20/01/2020 10:39

Những người sản xuất rượu cần truyền thống ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang được "tiếp sức" để giữ nghề, tạo nguồn thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm.

ADQuảng cáo

Giữ nghề truyền thống

Những ngày cuối năm, đi dọc các bon làng ở xã Đắk Nia, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc ché được các gia đình phơi trước sân. Đây là công đoạn đầu tiên để sản xuất rượu cần theo cách truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ. Cũng như bao gia đình, trước sân nhà bà Grum, ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, có hàng chục chiếc ché đang được phơi để chuẩn bị sản xuất rượu cần phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Khoảng 70 ché mới nhập về được bà phơi từng đợt để chuẩn bị làm rượu. Trong bếp dụng cụ nấu cơm, bạt xới cơm, men cây rừng được bà chuẩn bị sẵn. Phía trong nhà, bà Grum dành hẳn 1 gian nhà để trưng bày hơn 100 ché đã ủ men, sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Phơi ché - công đoạn quan trọng giúp tạo hương thơm và vị ngon cho rượu

Bà Grum, người dân tộc Mạ, năm nay 53 tuổi. Bà đã có hơn 40 năm làm rượu cần. Năm 12 tuổi, bà Grum được kế thừa công thức và kinh nghiệm làm rượu cần truyền thống từ mẹ. Bà Grum kể, ban đầu bà chỉ nấu rượu cần cho gia đình. Trong lễ cúng lúa mới hàng xóm đến uống rượu cần của bà thấy ngon nên mỗi khi đãi khách hay tết thường đến nhà bà đặt rượu. Từ đó, bà trở thành thợ nấu rượu cần.

Bà Grum đã duy trì nghề làm rượu cần hơn 20 năm nay, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, bà sản xuất rượu cần thường xuyên hơn, rượu luôn để sẵn trong nhà để bán quanh năm. Bà chia sẻ: "Tuần nào tôi cũng làm rượu cần để bán cho khách du lịch và các gia đình trong và ngoài tỉnh. Mùa tiêu thụ rượu cần nhiều là dịp lễ hội, dịp tết, nên tôi thường làm số lượng lớn vào các ngày này. Từ đầu năm đến nay, tôi bán được khoảng hơn 100 ché loại từ 5 - 12 lít. Riêng dịp Tết Nguyên đán năm nay, tôi đang chuẩn bị hơn 200 ché để phục vụ khách hàng".

Tương tự, để chuẩn bị rượu cần phục vụ tết, những ngày này, gia đình bà H'Mai, ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, cũng đang tất bật với công việc chuẩn bị ché rượu. Bà H'Mai đang phơi hơn 200 ché rượu, giã hơn 30 kg bột men từ lá cây rừng, chuẩn bị hơn 4 tạ gạo ngon để sản xuất rượu cần. Gia đình bà H'Mai đã xây riêng một căn nhà rộng khoảng 60m2 làm nơi nấu, ủ rượu cần.

Bà H'Mai cho biết, tuần nào bà cũng nấu rượu để bán. Đây là tháng cao điểm sản xuất rượu cần để bán vào dịp tết nên bà đã chuẩn bị khoảng 200 ché rượu cần loại từ 5 - 12 lít để phục vụ khách hàng. Để có ché rượu chất lượng, bà nhập ché từ Hà Nội vào để bảo đảm đáy ché không rỉ rượu.

ADQuảng cáo

Men vỏ cây rừng được giã thủ công

Là đồng bào dân tộc Mạ, bà H’Mai năm nay 51 tuổi được bà ngoại truyền cho “bí kíp” làm rượu cần khi mới lên 14 tuổi. Bà chia sẻ, bí quyết để làm rượu cần ngon phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị ché rượu. Ché sau khi được vệ sinh sạch sẽ còn phải tráng qua bằng nước nấu từ lá cây Rdong. Lấy lá Rdong nấu nước bỏ vào trong ché và mang phơi nắng. Khi nào lá Rdong trong ché khô thì ché đó đã khô và mang đi ủ rượu. Ché khô thì khi ủ rượu sẽ không bị chua, giữ được mùi thơm đặc trưng. Để có được ché rượu cần ngon không thể thiếu men cây rừng, loại men giúp rượu có màu đẹp, mùi thơm đặc trưng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, cách làm rượu cần truyền thống là nấu cơm gạo, trộn một ít gạo nếp, cơm chín để nguội, trộn men rừng, vỏ trấu và cho vào ché ủ. Cách làm là vậy nhưng để có được ché rượu ngon thì cần một người có tay nghề cao để đo đúng liều lượng của các loại nguyên liệu, sao cho tất cả vừa đủ.

Đưa sản phẩm nghề truyền thống ra thị trường

Tháng 8/2018, tổ hợp tác (THT) sản xuất rượu cần xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được thành lập, quy tụ 7 thành viên là những người đang sản xuất rượu cần trong bon Ting Wel Đơm, bon Bu Sóp và bon N’Jriêng, xã Đắk Nia. Bước đầu, THT tiến hành mua chung ché, gạo nguyên liệu, men cây rừng, sản xuất cùng một công thức để tạo ra loại rượu truyền thống có chất lượng ngon cung cấp cho thị trường. Tháng 11/2018, nghề làm rượu cần được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là nghề truyền thống do THT rượu cần ở bon Tinh Wel Đơm sản xuất. Tháng 1/2019, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ THT kiểm tra các chất trong rượu. Kết quả test các chất trong rượu cho thấy không có độc tố methanol và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn, chất lượng đồ uống an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu. Việc công bố các chất trong mẫu test đã tạo điều kiện cho THT rượu cần Đắk Nia tuyên truyền, quảng bá về rượu cần truyền thống. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với thị xã Gia Nghĩa xây dựng lô gô rượu, nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ rượu cần Đắk Nia, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho rượu cần Đắk Nông, mở ra hướng phát triển mới góp phần giữ gìn nghề rượu cần truyền thống.

Rượu cần thành phẩm của THT được gắn tem truy xuất nguồn gốc

Bà H'Mai, tổ trưởng THT cho biết, năm 2018, sau khi được công nhận nghề truyền thống và đạt các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, rượu cần của làng nghề bắt đầu bán ra thị trường với số lượng lớn. Nhờ được quảng bá, giới thiệu, trung bình mỗi tháng các thành viên trong tổ bán được khoảng 20 ché, trong đó, lượng khách du lịch ngày càng nhiều. Trong dịp Tết Nguyên đán năm vừa qua, THT đã bán được 300 ché rượu cần. Chính vì thế, năm nay, THT đang chuẩn bị 500 ché để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, sau khi xã đề xuất và được công nhận nghề làm rượu cần là nghề truyền thống, xã đã tiến hành hỗ trợ THT mua thêm ché, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Xã đã giới thiệu quá trình sản xuất rượu cần bằng hình ảnh và các mẫu nguyên liệu để du khách thăm quan tại làng nghề truyền thống. Từ khi được công nhận nghề truyền thống, thu nhập của các hộ sản xuất đã tăng lên đáng kể. Hiện nay thị xã Gia Nghĩa đã lập đề án du lịch để bảo tồn bản sắc dân tộc trong đó có nghề rượu cần truyền thống. Để người dân gắn bó và phát triển nghề bền vững thì việc quan trọng nhất phải phát triển du lịch để bán được nhiều sản phẩm và lồng ghép các dịch vụ khác cho du khách. Xã Đắk Nia đã chọn sản phẩm rượu cần là sản phẩm OCOP của xã và bước đầu được đánh giá đạt chất lượng 3/5 sao trong tiêu chí đánh giá, xếp hạng của OCOP quốc gia.

Việc tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm truyền thống đã  và đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế, giá trị truyền thống của nghề làm rượu cần tại xã Đắk Nia. Qua hiệu quả bước đầu cho thấy, đây là cách bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả, bền vững và phù hợp xu thế hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ hồn túy cho rượu cần truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO