Huyền thoại cây thiêng Blang

Mỹ Hằng| 20/01/2020 10:38

Cây Blang hay còn gọi là cây gạo có hoa màu đỏ, hạt có nhiều lông và mọc ở nhiều nơi, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên. Cây Blang còn gắn liền với đời sống, tâm hồn của người Tây Nguyên như một thực thể tâm linh quan trọng.

ADQuảng cáo

Loài cây nhuốm màu huyền thoại

Bao đời nay, trong tâm thức của người M’nông, cây Blang không chỉ là biểu tượng của sự thủy chung, yêu kiều của người con gái mà còn là sức mạnh của thế giới tâm linh. Chuyện xưa kể lại rằng: Ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết và trong ngày vui khi nhà chàng trai mang lễ vật sang cầu hôn nhà cô gái thì bất ngờ có cơn mưa lớn cuốn trôi đi tất cả, khiến việc nên duyên của đôi trẻ không thành. Quá uất ức, họ cùng dựng cây nêu để chàng trai lên trời tìm Yàng hỏi rõ nguyên cớ. Trước khi đi, chàng có buộc vào tay cô gái một dải lụa đỏ thay lời thề nguyện sẽ nhất định trở về bên cô.

Cây Blang gắn liền với cuộc sống người M'nông ở Krông Nô

Đáng tiếc thay, sau khi lên gặp được Yàng, vì thấy tài năng, đức độ, Yàng đã giữ chàng trai ở lại làm thần. Kể từ đó, chàng trai không bao giờ được trở lại hạ giới để gặp cô gái nữa. Ở dưới trần gian, cô gái ngày ngày vẫn mong ngóng bóng dáng của người thương nhưng tin tức của chàng trai vẫn bặt vô âm tín. Quá đau buồn nên cô đã tìm đến cây nêu năm xưa và quyết tâm tìm cho bằng được chàng trai nhưng cây nêu cao quá, đường lên trời lại xa thăm thẳm mà sức mình lại yếu. Cuối cùng cô gái chết rồi hóa thân thành một loại cây mọc ngay bên cạnh cây nêu và dải lụa đỏ trên tay cô gái bỗng hóa thành những bông hoa Blang rực rỡ, tươi thắm.

Những câu chuyện xung quanh loài hoa Blang còn được nhắc đến và thể hiện rõ nhất qua sử thi (Ót N’drong) của người M’nông trên địa bàn.

Theo ông Y Xuyên, Trưởng bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (Krông Nô), vào thời xa xưa khi cả thế giới chịu sự ngự trị của thần linh thì ở trên núi Nâm Nung có một bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người. Chúng hay vào bon làng quấy phá, bắt người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong rừng Nâm Nung có nhiều cây cối cổ thụ hàng triệu năm tuổi như Tơm Chri (cây dao), Krắk ndan (sồi ba cạnh) và cả cánh rừng Blang nở hoa đỏ rực bao phủ các hang động. Thần Blang cùng với các vị thần khác như thần Trăh, thần Ning sẵn sàng che chở, bao bọc dân làng thoát khỏi sự truy lùng của ma rừng và thú dữ. Đặc biệt, nơi đây còn có một ngọn núi có thể phun ra lửa và có rất nhiều hang động mà con người có thể tránh mưa nắng cũng như thú dữ.

Đồng bào M'nông ở xã Nâm Nung tổ chức lễ Tâm Blang Mprang bon để cảm tạ thần Blang đã che chở cho bon làng

ADQuảng cáo

Vì thế, mỗi khi bị ma rừng tấn công, người dân trong bon liền kéo nhau vào rừng ẩn nấp dưới bóng cây Blang. Con ma rừng không sợ bất cứ thứ gì nhưng khi nhìn thấy loại cây có lớp vỏ sần sùi màu đỏ thẫm chứa nhiều gai nhọn thì lập tức biến mất. Từ đó, người M’nông tin rằng Blang là cây thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Về sau, khu vực núi này được bà con M’nông đặt tên là núi Nâm Blang (núi hoa Blang) nay thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô).

Gắn bó với đời sống của đồng bào

Từ đó trở về sau, để tạ ơn thần Blang và các vị thần khác đã che chở, bảo vệ bon làng, cứ 3-5 năm một lần, bà con M’nông Préh nơi đây lại nô nức tổ chức lễ hội Tâm Blang Mprang bon (lễ trồng cây Blang cúng rào bon). Trong lễ hội, đồng bào dựng cây nêu ngay tại đầu bon và làm lễ dâng cúng thần. Bên cạnh cây nêu có cây cột lễ bằng thân cây Blang, trên đầu đẽo hình con chim R’ling và có nhiều hoa trang trí. Một số nơi luôn trồng bên cạnh một cây Blang non, nếu cây Blang đó phát triển tốt thì chắc chắn những lời cầu nguyện cả bon làng năm đó sẽ thành hiện thực. Mỗi cây Blang mọc lên sẽ nhắc nhở con cháu đời sau phải biết ơn thần Blang và nhất thiết phải gìn giữ truyền thống văn hóa mà cha ông để lại.

Đồng bào M'nông trồng cây Blang tại núi lửa Nâm Blang

Ông Y Xuyên cho biết: Việc tổ chức lễ hội Tâm Blang Mprang bon là dịp để thế hệ người già kể cho con cháu nghe ý nghĩa của việc tổ chức buổi lễ và răn dạy con cháu cùng nhau gìn giữ nét đẹp của dân tộc mình. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện để cây hoa Blang được trồng nhiều trên ngọn núi lửa Nâm Blang để lễ hội Tâm Blang Mprang bon diễn ra hàng năm, thu hút nhiều du khách đến với Đắk Nông hơn.

Ngày nay, cây Blang không chỉ dùng trong tổ chức lễ hội mà còn gắn bó với đời sống thường ngày của bà con với đặc tính mềm, dai, bền, nhẹ. Gỗ cây Blang được sử dụng làm gùi và nhiều vật dụng khác. Ngoài ra, cây Blang còn là một vị thuốc quý được người M’nông thường xuyên tin dùng. Từ hoa đến vỏ cây, rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, có đặc tính thanh nhiệt, cầm máu, giải độc chữa được các bệnh như tiêu chảy, băng huyết, viêm loét…

Núi lửa Nâm Blang là một trong những ngọn núi lửa tạo nên hệ thống hang động dài và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong quần thể hang động thuộc Công viên địa chất Đắk Nông. Đặc biệt, trong Logo của Công viên địa chất Đắk Nông cũng có hình ảnh 5 cánh hoa Blang tượng trưng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyền thoại cây thiêng Blang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO