Mong muốn lan tỏa ý tưởng cà phê sạch

Thanh Nga| 20/01/2020 11:30

Sau 5 năm chọn khởi nghiệp từ cà phê sạch, chàng trai trẻ Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) bước đầu thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Sạch từ trang trại

Tốt nghiệp đại học ngành kế toán nhưng với đức tính tự lập và sức trẻ, Hoàng “rẽ ngang” sang lĩnh vực pha chế. Năm 2014, Hoàng mới 24 tuổi nhưng quyết định mở quán cà phê mang tên Enjoy ngay tại thị xã Gia Nghĩa để khởi nghiệp. Lúc bấy giờ, khách hàng chưa quen với hương vị của cà phê nguyên chất, Hoàng kiên trì thuyết phục và ngày càng có nhiều người đến với mình.

Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông luôn tìm tòi, thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê sạch cho Đắk Nông

Hoàng tâm sự: Sinh sống ở vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên và từng đi đây, đi đó, tôi thấy Đắk Nông là vùng có tiềm năng lớn về nguyên liệu cà phê Robusta. Trong quá trình trải nghiệm và tương tác với những người bạn trong cùng lĩnh vực, tôi thấy giống cà phê Robusta của Đắk Nông rất ngon nhưng nhiều người lại không biết đến mà chỉ biết cà phê Đắk Lắk. Vì vậy, tôi mong muốn mở quán cà phê ở thị xã Gia Nghĩa và rang xay ngay tại quán để giới thiệu về hương vị thơm ngon của cà phê Đắk Nông - đó là ý tưởng đầu tiên để khởi nghiệp.

Đối với Hoàng, sản xuất cà phê sạch là một cơ hội tốt để phát triển kinh doanh. Theo Hoàng chia sẻ, trong quá trình khởi nghiệp và làm việc về cà phê, bản thân thấy muốn phát triển thì phải xây dựng được thương hiệu cho vùng nguyên liệu, có nghĩa phải thu hút được nhiều người cùng làm cà phê chất lượng cao thì mọi người mới biết được Đắk Nông là vùng trồng cà phê Robusta chất lượng. Ban đầu mở quán, Hoàng nhận định phải phát triển vùng nguyên liệu vừa phục vụ cho các quán vừa cung cấp nguyên liệu cho các nhà rang xay thì mới xây dựng được uy tín. Xu hướng phát triển cà phê sạch rất tiềm năng, bởi trên thế giới, việc thưởng thức cà phê đã lên đến cấp thứ 5 (uống cà phê đặc sản). Nhưng ở mình chỉ mới cấp thứ 2 thôi, tức là chỉ mới từ bỏ uống cà phê trộn lung tung và chuyển sang chú trọng uống cà phê nguyên chất.

Vì vậy, những năm qua, Hoàng chú trọng liên kết với nông dân trồng cà phê hữu cơ bằng cách phát triển vùng nguyên liệu sạch ngay từ trang trại của từng gia đình. Năm 2016, Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông hợp đồng với gia đình chị Lê Thị Ngân ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) sản xuất 8 ha cà phê hữu cơ. Vườn cà phê của chị Ngân mặc dù đã hơn 20 năm nhưng mấy năm nay vẫn bình quân đạt trên 3,5 tấn nhân/ha.

Chị Ngân cho biết: Trong quá trình liên kết với công ty, chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước phù hợp để tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và được công ty thu mua cao hơn. Trong bối cảnh giá cả thị trường thường dao động, bấp bênh nhưng mình làm cà phê sạch thì giá cả ổn định và được thu mua cao hơn từ 25%-40%. Làm cà phê hữu cơ phải sạch từ khâu chăm sóc, hạn chế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Sau 3 năm làm theo hướng hữu cơ, vườn cà phê của gia đình năng suất bền vững, tránh được tình trạng năm được mùa, năm mất mùa. Hiện nay, trang trại dùng máy cắt cỏ để làm sạch cỏ, không sử dụng thuốc diệt cỏ nên không những chất lượng cà phê sạch, chi phí sản xuất giảm nhiều mà còn bảo vệ được sức khỏe người lao động cũng như người tiêu dùng.

Với việc được công ty bao tiêu sản phẩm, chị Lê Thị Ngân (Gia Nghĩa) đã sản xuất 8 ha cà phê hữu cơ

Đến chế biến

ADQuảng cáo

Hiện nay, Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông liên kết với 40 hộ và 15 tổ hợp tác, hợp tác xã ở thị xã Gia Nghĩa và các huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk R’lấp. Hàng năm, công ty thu mua và chế biến trên 50 tấn cà phê nhân sạch và năm 2019 ước đạt trên 70 tấn. Những năm sau, sản lượng thu mua và chế biến của công ty dự kiến sẽ tăng nhanh, bởi ngày càng có nhiều nông dân tham gia trồng cà phê hữu cơ, trong đó có một số hợp tác xã ở huyện Krông Nô có khoảng 500 ha.

Để có ly cà phê đậm đà, thơm phức đòi hỏi khâu sơ chế sau thu hoạch, chế biến không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn phải lưu giữ được hương vị của cà phê Robusta. Vì vậy, cùng với việc đưa ra những tiêu chí cụ thể, khắt khe, trong quá trình triển khai trồng cà phê sạch, công ty kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu, từ thu hái cho đến sơ chế tại các nông hộ và các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Anh Lê Văn Phong, quản lý chất lượng cà phê Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết: Công ty yêu cầu khi vườn cà phê có tỷ lệ trái chín đạt tới 95% thì nông dân mới thu hoạch; dùng rổ hái lựa hoặc trải bạt để tránh tạp chất lẫn vào và khi hái chú trọng giữ cuống. Sau khi thu hái, máy chuyên dụng hoặc nhân công chọn 100% quả chín để sơ chế bằng nhiều cách. Để giữ hương vị đậm đà và thơm dịu của cà phê, nông dân có thể phơi trên sàn cách mặt đất 80 cm, hoặc phơi trong nhà kính và tuyệt đối không phơi ở đất. Nếu nông dân phơi trên đất và kéo dài thời gian phơi sẽ làm cho cà phê bị bẩn do lẫn tạp chất và mất hương vị tự nhiên của cà phê, không tốt cho sức khỏe người thưởng thức cà phê.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông được giới thiệu ngay tại hệ thống quán cà phê Enjoy

Đậm đà hương vị “cà phê Enjoy Đắk Nông”

Trong 5 năm lập nghiệp, chàng trai Lê Văn Hoàng đã bước sang tuổi 30 và gặt hái được những thành công ban đầu. Không phải là người đầu tiên bước vào khởi nghiệp từ cà phê sạch nhưng bằng cách thuyết phục, quyết tâm thực hiện thương hiệu “cà phê Enjoy Đắk Nông” của Hoàng ngày càng được nhiều người biết đến.

Xuất phát điểm từ một quán cà phê Enjoy ngay trung tâm “phố thị hoa vàng”, đến nay Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông đã phân phối sản phẩm cho hệ thống chuỗi 10 quán tại Đắk Nông, Đắk Lắk và cả Hà Nội. Hiện nay, công ty có 10 đại lý cấp I và sản phẩm có mặt tại các siêu thị cũng như hệ thống các quán cà phê ở các tỉnh, thành phố khắp cả nước. Ngoài ra, khi có dịp đến Đắk Nông tham quan, du lịch hay công tác, du khách đã mua cà phê Enjoy về làm quà tặng người thân, bạn bè… Thời gian tới, công ty tập trung mở rộng chuỗi cung ứng đến TP. Hồ Chí Minh, miền Bắc, miền Tây và hướng tới xuất khẩu.

Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông chia sẻ: Tôi luôn mong muốn lan tỏa ý tưởng trồng, chế biến, thưởng thức cà phê sạch để góp phần xây dựng thương hiệu cho cà phê Đắk Nông, nhất là phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch Robusta. Tôi nghĩ, vùng đất mình đang sinh sống chủ yếu cà phê và hồ tiêu là cây trồng chủ lực thì mình nên tập trung vào những cây trồng này. Trước mắt, sản lượng không nhất thiết phải tăng nhưng chất lượng nhất định phải tăng thì mới nâng cao giá trị sản phẩm Robusta của Đắk Nông. Qua tìm hiểu tôi thấy, cà phê chất lượng cao trên thế giới hiện đang ít nên mình tập trung vào chất lượng, bảo đảm ngay từ khâu phát triển vùng nguyên liệu thì sẽ không phụ thuộc vào đối tác.

Gom góp khởi nghiệp khi trong tay chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng, đến nay Hoàng đã có cơ ngơi với một công ty chuyên sản xuất và cung cấp cà phê sạch đang trên đà phát triển, góp phần truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Anh Hoàng chia sẻ: Tôi muốn mình tự lập và trải nghiệm, đi tìm kiếm cơ hội và lập nghiệp ngay chính nơi mình sinh sống. Tôi vẫn thường khuyên các bạn trẻ, người thân và các em của mình phải học thật nhiều, cái quan trọng nhất là kiến thức và trong quá trình trải nghiệm sẽ có nền tảng chọn con đường đi đúng đắn cho mình. Khởi nghiệp mà thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng thì chỉ đi ngắn thôi! Họ có thể thành công ở mô hình nhỏ nhưng mở rộng thêm là thất bại vì thiếu kiến thức, kỹ năng!”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong muốn lan tỏa ý tưởng cà phê sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO