Người phụ nữ “mê” làm nông nghiệp sạch

Thanh Nga| 20/01/2020 10:43

Không chỉ năng động, nhiệt tình với công tác hội, chị Trương Thị Thu Thanh, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 7, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) còn là một phụ nữ tiên phong trong làm nông nghiệp sạch.

ADQuảng cáo

Thích trồng cây “lạ”

Lập nghiệp trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên trù phú, lại vốn đam mê trồng trọt, chị Thanh quyết định khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng việc trồng cây ăn trái. Hay đi đây, đi đó, đến mỗi vùng quê chị đều tò mò tìm hiểu, khám phá những cây trái của từng miền để áp dụng vào vùng đất của mình. Vì vậy, hiện nay 6 ha vườn của chị Thanh đủ loại cây ăn trái, mùa nào thức nấy.

Các sản phẩm nông nghiệp sạch của chị Thanh được giới thiệu tại Hội thi Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 do Hội LHPN tỉnh Đắk Nông tổ chức

Chị Thanh chia sẻ: Tôi khoái cái đất bazan này kỳ lạ, thấy đất là nghĩ ngay đến việc trồng đủ các loại cây. Khi đến các vựa bán cây giống của miền Tây, thấy giống cây gì tôi cũng “ôm” về một ít để trồng thử trên đất đỏ quê mình, nhất là những cây trồng “lạ”. Cách đây 8 năm, thấy cây bòn bon hay hay, tôi mua 20 cây giống về trồng. Tìm hiểu về bòn bon, được nhà vườn giới thiệu cây này ưa khí hậu mát mẻ, thích bóng mát là tôi nghĩ ngay đến việc trồng xen trong vườn cà phê. Đúng là đất đỏ hạp với giống bòn bon, chỉ vài năm sau cây đã sum suê cành lá và đến năm thứ 7, thứ 8 mỗi cây cho tới vài tạ quả. Hiện nay, gia đình có 40 cây bòn bon được trồng xen trong vườn cà phê đều đã cho thu hoạch. Vào đầu mùa vụ, khoảng tháng 7, bòn bon có giá tới 70.000 đồng/kg và khi thu hoạch đại trà cũng 50.000 đồng/kg, trừ chi phí 2 năm nay mỗi năm gia đình thu về tầm 300 triệu đồng. Bòn bon vừa sai quả, năng suất cao, lại được giá nên tôi muốn phát triển cây trồng này nhiều hơn.

ADQuảng cáo

Chị Thanh cũng từng là một trong những người đầu tiên của huyện Đắk R’lấp trồng giống bơ 034, sầu riêng ghép, chôm chôm... Mỗi loại chỉ vài chục cây nhưng hàng năm bán ra thị trường hàng tấn trái cây, trừ chi phí thu về cả tỷ đồng cho gia đình.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Hiện nay, gia đình chị có khoảng 300 cây ăn trái các loại và đều sử dụng bón phân hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, các chất kích thích độc hại trong quá trình chăm sóc.

Theo chị Thanh, nhiều năm nay gia đình chị đã áp dụng trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C trên diện tích 6 ha, mỗi năm đem về tới 30 tấn nhân. Trồng cà phê sạch ít phải xịt thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu bón phân chuồng ủ với vi sinh và các phế phẩm nông nghiệp nên đất tơi xốp, năng suất ổn định. Ngoài ra, gia đình chị trồng xen 2.000 trụ tiêu theo tiêu chuẩn sạch, không chỉ đạt năng suất cao mà bán ra thị trường giá cao hơn. Từ trồng cà phê 4C và hồ tiêu đã giúp chị có thêm nhiều kiến thức trồng cây ăn trái sạch, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng.

Chị có ý tưởng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái cho các chị em trong xã và tập hợp cùng nhau thành lập tổ hợp tác, rồi hợp tác xã để cùng phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ “mê” làm nông nghiệp sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO